Thực tế, nên xem sự “ trắng tay” của ngày hôm nay như cơ hội để thể thao Việt Nam quyết tâm làm mới nhằm phát triển bền vững trong tương lai. Vấn đề giờ nằm ở việc thể thao Việt Nam sẽ làm thế nào để có nhiều hơn hy vọng tranh chấp HCV tại ASIAD, huy chương Olympic trong tương lai.
Không thể đòi hỏi hơn
Từ việc giành 1 HCV, 1 HCB tại Olympic Rio 2016 đến việc trắng tay ở Olympic Tokyo 2020 rõ ràng là bước lùi nếu nhìn về mặt số học. Nhưng những người gắn bó với ngành Thể thao đều hiểu rằng, với tiềm lực con người và sự đầu tư cũng như những yếu tố khách quan thì đấy không phải là bất ngờ quá lớn.
Không ngẫu nhiên mà ngay trước Olympic Tokyo 2020, lãnh đạo ngành Thể thao không đặt mục tiêu giành huy chương cho các đội tuyển. Hy vọng giành huy chương ở Olympic Tokyo 2020 cũng chỉ đặt vào đúng đô cử Hoàng Thị Duyên ở môn cử tạ, người được tạo điều kiện tối đa để thi đấu quốc tế.
Dù đã được định hướng tranh chấp huy chương Olympic 2020 từ 2-3 năm nay nhưng cách Olympic gần 4 tháng, cả Hoàng Thị Duyên cũng như đô cử khác giành vé dự Olympic Tokyo 2020 là Thạch Kim Tuấn đều không có điều kiện tập luyện, dinh dưỡng tốt nhất cho một VĐV cử tạ. Không tập huấn nước ngoài (một trong những điều kiện quan trọng để đạt thành tích cao với các đô cử Việt Nam tại nhiều giải đấu lớn) do vướng dịch bệnh, lại phải thực hiện cách ly tập trung tới 40 ngày sau khi dự giải quốc tế dẫn đến việc duy trì tập luyện, chế độ dinh dưỡng không theo kế hoạch.
Ở đây cũng phải kể đến những nhà quản lý cũng phản ứng khá thụ động dẫn đến chậm đưa thiết bị tập luyện và nâng chế độ dinh dưỡng cho VĐV thực hiện cách ly. Với điều kiện như vậy thật khó để tranh chấp huy chương và thực tế, thành tích của Hoàng Thị Duyên tại Olympic Tokyo 2020 đã kém xa so với thành tích tốt nhất mà cô từng đạt được cách đây 2 năm.
Thế nên, trước khi chia tay Olympic Tokyo 2020, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn cũng phải nhận xét rằng, thể thao Việt Nam vẫn còn khoảng cách quá xa tại sân chơi Olympic. Đấy là nhận xét xác đáng về vị thế của thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic, nơi thể thao Việt Nam chưa bao giờ có đến 2 môn cùng giành huy chương tại một kỳ Đại hội.
Trong khi đó, tại Olympic Tokyo 2020, nếu nhìn sang một số nước Đông Nam Á khác, thể thao Việt Nam đương nhiên lép vế. Thái Lan, Philippines, Indonesia đều có VĐV giành HCV từ những môn thế mạnh được đầu tư liên tục từ hàng chục năm nay như taekwondo, cử tạ, cầu lông. Trong số này, nhà vô địch môn taekwondo Panipak Wongpattanakit (Thái Lan) được ngành Thể thao cũng như Liên đoàn Taekwondo Thái Lan tạo mọi điều kiện để thi đấu, tập huấn quốc tế và được huấn luyện bởi chuyên gia hàng đầu thế giới người Hàn Quốc Che Yong-seok. Cũng nhờ đó, từ việc giành HCĐ tại Olympic 2016, Panipak Wongpattanakit đã đổi màu huy chương tại Olympic 2020.
Hay như nhà vô địch cử tạ hạng 53kg nữ người Philippines Hidilyn Diaz cũng từng giành HCB tại Olympic 2016. Để có thể giành HCV tại Olympic 2020, cô đã được đầu tư bằng một HLV từng có học trò giành HCV Olympic là Gao Kaiwen (Trung Quốc) cùng 3 trợ lý phụ trách thể lực, chuyên gia dinh dưỡng và cả chuyên gia tâm lý.
Tất cả để thấy rằng để có thể giành tấm huy chương tại Olympic phải đầu tư mạnh tay đến mức nào. Thể thao Việt Nam thiếu nhiều yếu tố, từ con người đến kinh phí, để có thể giành huy chương tại Olympic 2020 và thực tế đã chứng minh điều đó.
Cần nhiều hơn nội dung thế mạnh
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn từng nhận định rằng, sau Olympic Tokyo 2020, đương nhiên thể thao Việt Nam sẽ phải ngồi lại xác định rõ định hướng đầu tư để 1-2 kỳ Olympic sau có nhiều VĐV tham dự với tư cách ứng cử viên tranh chấp huy chương thay vì vượt qua chính mình như vừa qua. Và đó sẽ là bài toán không dễ giải.
Đầu tiên, đương nhiên là tìm nguồn VĐV đủ dày dặn ở những nội dung trọng điểm tại một số môn phù hợp với thể trạng người Việt Nam, có thể tranh HCV ASIAD hoặc huy chương Olympic như bắn súng, cử tạ, bắn cung... Rồi sau đó phải dành đủ kinh phí để đầu tư cho nhóm VĐV này dù sẽ khiến thể thao Việt Nam mất 1-2 chu kỳ Olympic “trắng” huy chương.
Tất nhiên, "bài toán" kinh phí đầu tư cho các VĐV trọng điểm của thể thao Việt Nam chưa bao giờ dễ giải. Chế độ dinh dưỡng, bồi dưỡng tập luyện của họ đã tăng mạnh trong 1-2 năm qua, ở mức khoảng trên 20 triệu đồng/ người, không kể các điều kiện tập luyện, tập huấn, thi đấu quốc tế. Nhưng thể thao Việt Nam đầu tư cho VĐV thì các nền thể thao khác cũng đầu tư, nhiều nước ở mức độ cao hơn rất nhiều. Chúng ta đưa VĐV đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài thì nhiều nước khác cũng làm cách tương tự.
Không kể, nguồn lực ngân sách dành cho thể thao thành tích cao dù đã ở mức cao so với trước đây song vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu đầu tư để phục vụ chiến lược HCV ASIAD hay huy chương Olympic. Như năm 2021, ngân sách trung ương cho thể thao khoảng trên 850 tỉ đồng, trong đó thể thao thành tích cao chiếm phần lớn. Tuy nhiên, việc phân bổ cho hơn 30 môn thể thao dẫn đến việc chưa rõ sự đầu tư trọng điểm nội dung trọng điểm của môn thể thao có thể tranh chấp huy chương Olympic.
Ông Đỗ Đình Kháng, Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam, nguyên Vụ phó Vụ Thể thao thành tích cao 2 (Tổng cục TDTT) kể rằng, từ nhiều năm nay, cử tạ Việt Nam vẫn chỉ trông vào nguồn kinh phí tập huấn, thi đấu quốc tế khoảng 60.000 USD/ năm từ ngành Thể thao. Ngần ấy tiền mà dồn vào một VĐV để phục vụ cho mục tiêu tranh huy chương tại Olympic thì tạm ổn nhưng như thế thì không còn nguồn đầu tư cho các thành viên khác của đội tuyển trong khi mục tiêu tranh HCV SEA Games, tranh huy chương ASIAD và các giải quốc tế khác vẫn còn đó.
Trong khi đó, Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam cũng không thể hỗ trợ đáng kể cho VĐV vì khả năng thu hút các nhà tài trợ còn hạn chế. Việc này khiến cử tạ Việt Nam cũng không thể tính xa và chưa bao giờ nghĩ tới việc được đầu tư dài hạn cho một đô cử trọng điểm như với trường hợp kình ngư Ánh Viên từng được tập huấn dài hạn tại Mỹ.
Thế nên, khi nguồn xã hội hóa cho thể thao thành tích cao còn có hạn, nhất là ở những môn mà thể thao Việt Nam có thể tranh chấp huy chương Olympic như cử tạ, bắn cung, bắn súng… thì nguồn kinh phí từ ngân sách phải tập trung cho những môn này. Và để tránh việc phân bổ dàn trải kinh phí, không rõ rệt trong phân bổ kinh phí giữa môn trọng điểm và những môn khác lại phải có sự thay đổi trong nhận thức của nhà quản lý, bắt đầu từ sân chơi SEA Games, nơi mà mục tiêu vào nhóm 3 đoàn dẫn đầu vẫn được đặt ra.
Trong chia sẻ với báo chí, ông Trần Đức Phấn từng cho rằng, cần thay đổi mục tiêu ở các đại hội như SEA Games, trong đó, không nên quá coi trọng thứ hạng tại đại hội này mà nên tập trung trọng tâm cho ASIAD bởi đấu trường này phù hợp với thể thao Việt Nam, là cơ sở để một số VĐV có thể vươn lên trình độ Olympic. Trước mắt, chỉ khi giải tỏa áp lực, không nhất thiết vào nhóm 3 đoàn dẫn đầu SEA Games và để địa phương, Liên đoàn, Hiệp hội đầu tư những môn không phải trọng điểm tham dự SEA Games thì lúc đó, ngân sách đầu tư cho VĐV thành tích cao hướng tới đấu trường ASIAD và Olympic mới nhiều hơn hiện nay. Không kể, việc xã hội hóa các môn có thể đua tranh huy chương ở Olympic, ASIAD được đẩy mạnh sẽ càng khiến thể thao Việt Nam thêm cơ hội, thay vì ít lựa chọn để tranh huy chương Olympic như vừa qua.
Rõ ràng, sẽ cần đến rất nhiều sự dũng cảm, quyết đoán của các nhà quản lý để tính đường dài cho thể thao Việt Nam sau kỳ Olympic Tokyo này.