Vượt qua gầm suối đổ bê tông và con dốc dài, chúng tôi có mặt tại điểm trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú (Bình Phước). Đây là điểm trường Suối Nhung, thuộc ấp Suối Nhung của xã Tân Hưng, nằm cạnh khu tái định cư 23 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, được đưa từ Sóc Miên vào. Trường có 4 phòng học dành để dạy 5 lớp. Trường không điện, không nước, nhà vệ sinh không sử dụng được.
Cô Triệu Thị Liêm cho biết: Năm 1995, cô xin vào dạy ở điểm trường ấp Pa Pếch, mấy năm sau chuyển qua dạy ở điểm trường ấp Suối Nhung. Việc luân chuyển giữa các trường diễn ra thường xuyên, vài năm một lần, thấm thoắt đã được 21 năm.
“Ngày đầu, điểm trường không có phòng để nghỉ trưa. Chỗ ăn uống, chỗ đựng vật dụng giảng dạy… tất cả mọi thứ đều nhờ vào dân. Cũng mừng vì người dân ở đây xem cô giáo như người thân của họ. Dân mến, dân tin yêu nên đưa con em đến lớp học ngày càng nhiều”, cô Liêm tâm sự.
Những năm đầu vào dạy học, khó khăn không thể kể hết. Đường và cầu Suối Nhung chưa làm, mưa lớn nước chảy xiết không qua gầm suối được, phải đi đường vòng. Nếu không đi được nữa thì đến thứ Bảy, Chủ Nhật cô phải vào đưa học sinh đến để dạy bù. Nhiều hôm trời mưa, con đường lởm chởm đá trơn trượt. Vào đến điểm trường xe máy ngã mấy lần, áo quần bết đất đỏ. Song, dù khó khăn đến đâu, cô Liêm đều khắc phục và vượt qua, chỉ mong học sinh học tốt. Hai năm nay, cầu Suối Nhung được làm lại và đường cũng được san ủi. Nhưng chỉ qua mấy mùa mưa là đường bị xói lở trở lại.
Nơi cô giáo Liêm dạy học, học sinh đa số là người dân tộc Khmer, S’tiêng, Hoa, Tày, Nùng. Phần đông cha mẹ các em không biết chữ nên việc kèm cặp con em mình ở nhà không có. Do đó, để giúp các em học tốt, các cô giáo phải tận tâm với từng em một, nhờ đó cuối năm các em đều lên lớp 100%.
Bà Điểu thị Tiêng (60 tuổi), nhà ở cạnh điểm trường cho biết: Cô giáo ở đây tốt lắm! Hiền lành, chịu khó. Phụ huynh và học sinh ở đây đều rất mực yêu mến cô như người thân trong gia đình...
DUY HIẾN