TP. Vinh sắp xếp 33 đơn vị thành 6 đơn vị - Trong ảnh: Một góc TP. Vinh, Nghệ AnGiảm gần 70% đơn vị cấp xã
Hiện tại, toàn tỉnh Nghệ An có 412 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 362 xã, 33 phường, 17 thị trấn. Theo Đề án sắp xếp được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua giảm 282 đơn vị hành chính cấp xã (tỷ lệ giảm 68,45%), còn 130 đơn vị, gồm: 11 phường, 119 xã.
Cụ thể, Thị xã Thái Hoà sắp xếp 9 đơn vị thành 3 đơn vị; huyện Anh Sơn sắp xếp 19 đơn vị thành 6 đơn vị; huyện Tương Dương sắp xếp 17 đơn vị thành 9 đơn vị; huyện Yên Thành sắp xếp 32 đơn vị thành 9 đơn vị; huyện Tân Kỳ sắp xếp 20 đơn vị thành 7 đơn vị; huyện Con Cuông sắp xếp 12 đơn vị thành 6 đơn vị; huyện Nam Đàn sắp xếp 17 đơn vị thành 5 đơn vị; huyện Kỳ Sơn sắp xếp 21 đơn vị thành 12 đơn vị; Thị xã Hoàng Mai sắp xếp 10 đơn vị thành 3 đơn vị; TP. Vinh sắp xếp 33 đơn vị thành 6 đơn vị; huyện Nghi Lộc sắp xếp 23 đơn vị thành 7 đơn vị; huyện Quỳ Hợp sắp xếp 21 đơn vị thành 7 đơn vị; huyện Nghĩa Đàn sắp xếp 20 đơn vị thành 7 đơn vị; huyện Quỳ Châu sắp xếp 12 đơn vị thành 4 đơn vị; huyện Thanh Chương sắp xếp 29 đơn vị thành 9 đơn vị; huyện Hưng Nguyên sắp xếp 15 đơn vị thành 4 đơn vị; huyện Đô Lương sắp xếp 32 đơn vị thành 6 đơn vị; huyện Quế Phong sắp xếp 13 đơn vị thành 5 đơn vị; huyện Quỳnh Lưu sắp xếp 25 đơn vị thành 7 đơn vị; huyện Diễn Châu sắp xếp 32 đơn vị thành 8 đơn vị.
Trong 130 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, có 9 đơn vị đủ tiêu chuẩn không thực hiện sắp xếp, 29 đơn vị sáp nhập 2 đơn vị hành chính, 92 đơn vị nhập từ 3 đơn vị hành chính. Cũng trong 130 đơn vị, có 126 đơn vị đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, 4 đơn vị chưa đảm bảo tiêu chuẩn nhưng có các yếu tố đặc thù.
Đối với vấn đề đặt tên, trong Đề án có 16/20 địa phương cấp huyện dự kiến đặt tên đơn vị hành chính cấp xã theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện trước sắp xếp, có gắn với số thứ tự. Ngoài ra, có 4 đơn vị cấp huyện: Thanh Chương, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Quế Phong đặt tên đơn vị hành chính cấp xã theo yếu tố lịch sử, văn hoá, địa danh của địa phương.
Số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã dôi dư sau sáp nhập, sắp xếp là 3.530 người - Trong ảnh: Cán bộ, công chức xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa thực hiện tiếp nhận các thủ tục hành chính - Ảnh: T.DuyCùng đó, có 2 đơn vị đặc thù là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn và phường Cửa Lò (TP. Vinh hiện hữu) có đặt tên địa danh có yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hoá.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung chia sẻ: Tiến độ gấp, khối lượng công việc lớn, nhạy cảm, phức tạp… nên các cơ sở sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế, các huyện, thành, thị chủ động nghiên cứu, lựa chọn phương án đặt tên sao cho phù hợp, tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân và đảm bảo tiến độ thực hiện đề án sáp nhập.
Giải quyết cán bộ dôi dư sau 5 năm
Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, cơ cấu tổ chức bộ máy của từng xã sau sắp xếp sẽ tuỳ vào tình hình cụ thể để bố trí số lượng phòng và cán bộ, công chức phù hợp. Hiện tại, số lượng cán bộ, công chức cấp xã dự kiến bố trí mỗi xã là 60 người. Như vậy, với tổng số 130 đơn vị, sẽ bố trí là 7.800 người. Số viên chức cấp huyện khoảng 1.391 người sẽ bố trí theo hướng dẫn của Trung ương về tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập thuộc xã.
Điều rất đáng quan tâm, số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã dôi dư sau sáp nhập, sắp xếp là 3.530 người. Con số này dự kiến sẽ giải quyết trong 5 năm theo quy định của Nghị quyết số 76 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phường Cửa Lò (TP. Vinh hiện hữu) là một trong hai đơn vị ở Nghệ An đặt tên địa danh có yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hoá - Ảnh: T.DuyĐến 01/8/2025, sẽ kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Các khối, xóm, bản tiếp tục được xác định là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là cấp hành chính.
Về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung đề nghị các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các tổ chức, đoàn thể tiếp tục phát huy cao độ tinh thần, trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất là hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và đưa mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động ổn định, không để gián đoạn.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị tổ chức kỳ họp HĐND cấp huyện, cấp xã để xem xét, thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã hoàn thành trước ngày 24/4 và cấp huyện hoàn thành ngày 25/4. Để đến trước ngày 01/5/2025, hoàn thiện quy trình, thủ tục của Đề án gửi Bộ Nội vụ để trình Chính phủ.
“Công tác tuyên truyền, vận động, định hướng tư tưởng và dư luận xã hội phải được thực hiện liên tục, sâu rộng, dân chủ, công khai. Để làm sao đảm bảo sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân trên toàn tỉnh”, ông Trung nhấn mạnh.