Xác định nguyên nhân lợn chết
Người dân bản Xám Láng đã chia sẻ, họ nuôi lợn đến cả năm nay không có dịch xảy ra, tất cả đàn lợn của dân lâu nay chưa có con nào chết, đều tăng trưởng tốt, lợn mẹ vẫn đẻ và nuôi con bình thường. Đã có những con lợn nặng đến 70 - 80 kg, người dân chờ bán để có tiền ăn tết và tiếp tục chăn nuôi.
Để tìm hiểu nguyên nhân lợn chết hàng loạt tại xã Nậm Khao, phóng viên đã trao đổi trực tiếp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Mường Tè.
Được biết, tất cả gần 300 con lợn giống này, được HTX Quỳnh Lan nhập tại trang trại lợn của gia đình ông Hà Công Hiển ở bản Nà Phầy, xã Vàng San (huyện Mường Tè). Trung tâm đã kiểm tra vệ sinh thú y bằng phương pháp quan sát, đánh giá là đàn lợn an toàn với bệnh truyền nhiễm. Tất cả được xác nhận tại Biên bản ghi nhận, tình trạng vệ sinh thú y cho 294 con giống chở đến bàn giao cho 2 bản của xã Nậm Khao.
Theo đó, trong 3 ngày ngày 15, 26, 27/10 HTX Quỳnh Lan đã phối hợp với UBND xã Nậm Khao vận chuyển lợn giống đến cấp cho bà con của 2 bản Láng Phiếu và Xám Láng. Con giống đã được tiêm vắc xin và nhắc lại trước khi cấp phát cho Nhân dân, bao gồm các loại vắc xin: Bệnh tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả cổ điển. Trên biên bản bàn giao con giống, đều xác nhận con giống hoàn toàn khỏe mạnh bình thường, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Trung tâm DVNN huyện Mường Tè, đơn vị cung ứng (HTX Quỳnh Lan) và đại diện UBND - HĐND xã Nậm Khao trong ngày 23/11, đã có buổi làm việc 3 bên để kiểm tra và tìm nguyên nhân lợn chết hàng loạt ở bản Xám Láng (xã Nậm Khao).
Trên biên bản làm việc ghi rõ, ngày 27/10 đã có 20 con lợn bị chết, nguyên nhân được đánh giá là do một số hộ gia đình không có chuồng trại, thức ăn không bảođảm, thời tiết thay đổi đột ngột dẫn đến bị viêm phổi và tụ huyết trùng.
Đến thời điểm kiểm tra (ngày 23/11 - PV), đã có khoảng 150 con lợn của bản Xám Láng bị chết, đa số là lợn cấp và lợn của dân. Tất cả các ý kiến của các bên liên quan đều cho rằng: Trong cùng thời điểm nhà cung ứng đã cấp cho 2 bản của xã Nậm Khao, tuy nhiên chỉ có bản Xám Láng là có lợn chết, còn bản Láng Phiếu thì không có lợn chết.
Nguyên nhân được cho rằng, do một số hộ gia đình không có chuồng trại, thức ăn không bảo đảm, thời tiết thay đổi đột ngột, đồng thời có khả năng cao là do nhiễm vi rút dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tồn tại trong môi trường đã xâm nhập vào cơ thể con lợn bị yếu gây chết.
Đồng thời, trong quá trình cấp phát có đoàn của Ban Dân tộc tập huấn tại bản, có đánh giá là do lợn chưa thích nghi với thức ăn (người dân cho con giống mới ăn theo phong tục của địa phương), chuồng trại chưa bảo đảm.
Trong buổi làm việc, Trung tâm DVNN đã lấy mẫu ở 4 nơi để làm xét nghiệm với dịch bệnh DTLCP, bao gồm: Lợn của gia đình ông Lý Văn Lương (Chủ tịch HĐND xã) sống tại bản Láng Phiếu và một hộ dân của bản Xám Láng thuộc xã Nậm Khao và trang trại cung cấp lợn giống. Kết quả Trung tâm dịch tễ Cục thú y Trung ương xác nhận, ngày 27/11 chỉ có mẫu ở bản Xám Láng (xã Nậm Khao) là dương tính với vi rút DTLCP.
Ngay sau đó, ngày 30/11 huyện Mường Tè đã làm văn bản chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị trên địa bàn tập trung triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh DTLCP tránh lây lan nhiều trong cộng đồng.
Dự án đã "phá sản" khi chưa bắt đầu?
Người dân cho biết, họ đã tự chôn những con lợn chết xuống hố rồi rắc vôi, còn một số hộ dân đã mang lợn ra thả ở sông cách nhà vài cây số. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ dân tự ý giết mổ những con lợn chết để ăn. Đồng thời, trong suốt thời gian có lợn chết, xã và huyện đã có 2 lần đến phun thuốc và phát thêm thuốc khử khuẩn cho dân tự phun, còn không có người đến hướng dẫn và giám sát việc tiêu hủy lợn chết.
“Từ hôm lợn chết nhiều, họ đến được 2 lần để phun thuốc thôi, sau này không thấy đến nữa. Người dân mình cũng bảo nhau con lợn nhà mình nuôi mà chết thì mình ăn, còn những con lợn mới được cấp thì mình không ăn, mang chôn rồi”, một người dân trong bản Xám Láng nói.
Ông Hân, Chủ tịch xã cho hay: “Về số lợn đã chết trước 15 ngày, chúng tôi sẽ nói chuyện với nhà cung ứng để cấp bù cho dân khi hết dịch. Còn lại số lợn của dân bị chết hoặc những con lợn giống chết sau 15 ngày, chúng tôi sẽ thương lượng với nhà cung ứng, nếu họ đồng ý thì tìm phương án hỗ trợ cho bà con”.
Cho đến nay, mặc dù người dân đã thực hiện phun dung dịch sát trùng Povidine - 10% được cấp dành cho gia súc, cho lợn uống thuốc do cơ quan y tế cấp và cho cách ly, nhưng số lượng lợn giống chết vẫn tiếp tục tăng lên, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Sẽ càng khó hơn đối với bà con Nhân dân vùng khó, nhất là vào thời điểm giáp Tết.
“Nếu được cấp lợn thì chúng tôi mong được lấy lợn giống bản địa trên này, lấy lợn dưới xuôi lên nó không hợp khí hậu và không phù hợp thức ăn nên lần nào cũng chết, cứ như thế này không được đâu. Chúng tôi rất mong, tìm được nguyên nhân lợn chết và nếu được hỗ trợ đền bù phần nào những con lợn của dân để chúng tôi có vốn tiếp tục duy trì cuộc sống”, ông Hùng - Trưởng bản Xám Láng buồn rầu nói.
Mặc dù, số lượng lợn chết nhiều, xảy ra chủ yếu trên địa bàn bản Xám Láng, nguyên nhân được xác định do DTLCP, còn nguyên nhân lây bệnh ban đầu được các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện Mường Tè đánh giá, có thể do ổ dịch cũ tái phát và do lợn mới cấp chưa phù hợp với cuộc sống mới, nhưng chưa rõ ràng. Tuy vậy, cũng cần làm rõ quy trình cấp giống và giám sát việc chăn nuôi, vệ sinh và quy cách chuồng trại chặt chẽ hơn để tránh gây lãng phí và thiệt hại cho Nhân dân.
Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc.