Trong lần tổ chức này, sự kiện đi vào các khía cạnh của nhiều nền điện ảnh châu Á lớn như HongKong, Trung Quốc, Nhật Bản... Mỗi buổi thuyết trình là dịp để khán giả trao đổi trực tiếp, bàn luận với các diễn giả là gồm các nhà báo, nhà văn, chuyên gia, nhà nghiên cứu điện ảnh tại Việt Nam.
Mở màn cho "Hương vị châu Á 2" là buổi chia sẻ "Chất sến của điện ảnh Hongkong thập niên 80-90" (6/8), diễn giả là nhà báo Phong Kiều.
Các buổi chia sẻ sau đó gồm "Nghệ thuật Zen (tính thiền-PV) trong phim Yasujirō Ozu" (13/8), diễn giả là nhà văn trẻ Hiền Trang; "Lâu Diệp và tuổi trẻ vỡ mộng qua góc nhìn của thế hệ đạo diễn thứ sáu" (10/9), diễn giả là nhà báo Ngọc Nick M...
3 buổi trao đổi của Tiến sĩ, nhà phê bình Văn học Mai Anh Tuấn (20/8), đạo diễn Đỗ Văn Hoàng (17/9) và nghệ sĩ Nguyễn Quốc Thành (24/9) sẽ sớm được cập nhật tại trang sự kiện của "Hương vị châu Á 2" hoặc trang chính của TPD trên Facebook.
Loạt buổi chia sẻ được kỳ vọng mang đến cái nhìn vừa tổng thể về các nền điện ảnh đáng chú ý trong khu vực, vừa giúp phân tích, mổ xẻ một khía cạnh nhỏ trong nền điện ảnh đó trong sự ảnh hưởng về văn hóa, kinh tế-xã hội và chính trị trong một thời kỳ. Sự so sánh, soi chiếu về điện ảnh Việt Nam cũng có thể được đưa ra bàn luận.
Trong lần đầu diễn ra vào năm 2021, do sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên "Hương vị châu Á 1" đã được tổ chức trực tuyến.
Sự kiện có sự tham gia của đông đảo các nhà làm phim, các nhà phê bình, nghiên cứu điện ảnh cùng các chủ đề đáng chú ý. Đó là đạo diễn Phan Đăng Di với "Sự sống và cái chết trong phim của Satyajit Ray" (Ấn Độ), nhà phê bình Mai Anh Tuấn với "Ẩn dụ trong những khuôn hình: Thử thách xem phim của Abbas Kiarostami" (Iran), nhà phê bình Lê Hồng Lâm với "Tại sao làn sóng mới của điện ảnh Hàn Quốc lan tỏa toàn cầu?"...
Độc giả quan tâm có thể theo dõi toàn bộ 6 buổi trao đổi của "Hương vị châu Á 1" trên kênh YouTube của Trung tâm TPD.