Tham dự cuộc gặp mặt có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường Lê Quang Huy; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội;… cùng 55 đồng chí Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện về dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 và 18 đồng chí Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện mới được bổ nhiệm.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Hội nghị ngoại giao lần thứ 31 có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và triển khai Nghị quyết của Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Hội nghị ngoại giao lần thứ 31 đã thành công tốt đẹp và nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Hội nghị đã tập trung đánh giá thực chất bối cảnh thế giới và khu vực; kết quả công tác đối ngoại thời gian qua, đặc biệt là từ sau Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 vào năm 2018. Đồng thời, đánh giá những cơ hội và thách thức đặt ra đối với đất nước ta, đối với ngành ngoại giao trong thời gian tới. Qua đó, xác định yêu cầu của đối ngoại cũng như nhiệm vụ của công tác đối ngoại thời gian tới nhằm triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng và Nhà nước trong nhiệm kỳ này cũng như thực hiện tầm nhìn và khát vọng của Đảng ta, nhân dân ta từ nay đến 2030 - 2045.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng cho biết, nhân dịp về nước, bên cạnh tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Đối ngoại toàn quốc và Hội nghị ngoại giao lần thứ 31, các Đại sứ tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để tiếp nhận thông tin và các kiến nghị cụ thể nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ đối ngoại mà Đảng, Nhà nước giao phó, phục vụ công tác hội nhập quốc tế, kết nối các địa phương, doanh nghiệp theo hướng hiệu quả, thiết thực, cụ thể; đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước một cách tốt nhất.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, Bộ Ngoại giao, đặc biệt các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã nhận được nhiều ý kiến chỉ đạo quý báu, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, đặc biệt là với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trên cương vị lãnh đạo Chính phủ nhiệm kỳ 2016 -2021 và Chủ tịch Quốc hội hiện nay. Nhờ đó, thời gian qua ngành ngoại giao đã đạt được những kết quả tốt đẹp, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.
Trân trọng và đánh giá cao việc Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo và trực tiếp tham gia vào các hoạt động đối ngoại lớn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta thời gian qua cả về song phương và đa phương, cả trực tiếp và trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, ngay sau khi tổ chức thành công cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội đã tiến hành các hoạt động đối ngoại trực tuyến rất sôi động đồng thời cũng tiến hành các chuyến thăm trực tiếp đến một số đối tác quan trọng của Việt Nam tại Châu Âu và Châu Á mà gần đây nhất là Hàn Quốc và Ấn Độ, đồng thời tham dự các hoạt động đối ngoại đa phương nghị viện rất quan trọng và đã đạt được kết quả có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Thông qua các hoạt động đối ngoại, Quốc hội tiếp tục phát huy được vai trò của cơ quan lập pháp trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, thể hiện vai trò tích cực, trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn nghị viện đa phương, tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, nhất là trong việc xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, phục vụ phát triển đất nước, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, xã hội số, chia sẻ kinh nghiệm ban hành chính sách pháp luật để kịp thời hỗ trợ Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế sau đại dịch… Đặc biệt, các chuyến thăm trực tiếp của Chủ tịch Quốc hội đã góp phần quan trọng vào thực hiện công tác ngoại giao vắc-xin và có ý nghĩa rất lớn giúp cho đất nước ta kịp thời ứng phó với dịch bệnh và tạo niềm tin đối với nhân dân và bạn bè quốc tế về ý chí quyết tâm cũng như nỗ lực của đất nước ta vượt qua đại dịch, thích ứng an toàn và hiệu quả với tình trạng bình thường mới của đất nước.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực còn diễn biến phức tạp, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng trên tất cả các bình diện song phương, đa phương, đưa ngoại giao Nghị viện nói riêng và quan hệ của Nhà nước ta nói chung đi vào chiều sâu, góp phần làm cho nhân dân thế giới, bạn bè quốc tế ngày càng hiểu rõ về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam; tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước ta nói chung và của Quốc hội Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả ngoại giao kinh tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, phục vụ cho phát triển đất nước.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, các Đại sứ bày tỏ vui mừng và xúc động khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa trở về nước sau chuyến công tác tới Hàn Quốc và Ấn Độ đã bố trí thời gian gặp mặt các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao bày tỏ ấn tượng với kết quả chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội tới các nước đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu của Việt Nam là Hàn Quốc và Ấn Độ. Ấn Độ đã dành nghi thức lễ tân rất đặc biệt, chưa từng có kể từ sau chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đón tiếp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Điều đó cho thấy, nước bạn rất coi trọng Việt Nam cũng như vai trò của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Các đại sứ cũng đánh giá cao đóng góp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng như các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong công tác ngoại giao vắc-xin, kêu gọi sự ủng hộ của các nước dành cho Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.
Các Đại sứ cho rằng, trong những năm qua, ngoại giao Nghị viện là một trụ cột rất quan trọng của đối ngoại Việt Nam, đã có những đóng góp quan trọng vào những thành công của đối ngoại chung của đất nước. Điều đó không những góp phần duy trì hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế của đất nước, tranh thủ các nguồn lực, đặc biệt là tranh thủ được thiện cảm của các nghị sĩ, nhân dân các nước để mở rộng cơ sở chính trị-xã hội của các nước ủng hộ Việt Nam trong công cuộc đổi mới…
“Trong nhiều năm qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dù ở trên cương vị nào cũng luôn luôn có sự quan tâm, dành sự ưu ái cho ngành đối ngoại và đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo rất sâu sát, quyết liệt giúp cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao,..”, Đại sứ Hà Kim Ngọc chia sẻ.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài vừa tham gia Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu toàn diện, sâu sắc về chiến lược, những nhiệm vụ, giải pháp trước mắt đối với công tác đối ngoại, trên cơ sở chủ trương, đường lối đối ngoại trong thời kỳ mới mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Bên cạnh đó, tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng phát biểu chỉ đạo cụ thể về một số nhiệm vụ của ngành ngoại giao trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, các cơ quan, đơn vị ngoại giao cần có kế hoạch học tập, quán triệt sâu sắc bài Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị. “Trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", đã tạo ấn tượng sâu sắc với nhiều bạn bè quốc tế và cần được lan tỏa đến các Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ với ngành ngoại giao cũng như cơ quan đại diện ngoại giao trong điều kiện công tác ngoại giao ở nước ngoài, có những cơ quan ở rất xa Tổ quốc. Thời gian qua, Đại sứ quán và Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cũng bị tác động rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Riêng Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ bị dịch Covid-19 tấn công 2 lần khiến rất nhiều cán bộ, nhân viên Đại sứ quán bị nhiễm bệnh, trong đó có những người chuyển biến rất nặng, nhưng tất cả đã vượt qua được.
Cùng với đó, cơ sở vật chất của Đại sứ quán, Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài còn thiếu thốn. Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cùng với Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm tới việc nâng cao chế độ cho cán bộ ngoại giao cũng như đầu tư về trụ sở các Đại sứ quán, Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, tuy nhiên, nhiều nơi vẫn còn rất khó khăn.Trong bối cảnh đó, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn nỗ lực để công tác và hoàn thành nhiệm vụ.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn sự hỗ trợ của Ban Đối ngoại Trung ương; Bộ Ngoại giao; các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đối với công tác ngoại giao Nghị viện của Quốc hội trong thời gian qua; khẳng định Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm và dành sự ưu tiên cao nhất cho ngành ngoại giao khi xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội cho biết trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã ban hành Chương trình hành động của Quốc hội để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với 107 đề án, chương trình, kế hoạch lớn, trong đó bao gồm quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia về công tác đối ngoại và công tác đối ngoại của Quốc hội.
Cho biết về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Quốc hội sẽ tích cực chủ động để phê chuẩn việc gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của các Điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, bảo đảm đúng đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước; giám sát việc thực hiện các Điều ước quốc tế với trọng tâm là các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ, hội nhập nhanh và hiệu quả hơn của đất nước, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Tiếp tục tăng cường hoạt động đối ngoại của Quốc hội, gắn với hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân, phát huy tối đa lợi thế ngoại giao Nghị viện cũng như hiệu quả, sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong triển khai công tác đối ngoại; cùng hướng tới thúc đẩy tiến trình chủ động hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội, vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Tiếp thu các kinh nghiệm tốt trong tổ chức hoạt động nghị viện các nước trên thế giới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Quốc hội đã và đang xây dựng các đề án mang tính chiến lược toàn khóa và kế hoạch hàng năm về ngoại giao Nghị viện, trong đó xác định trọng tâm, trọng điểm, chú trọng xây dựng ngoại giao kinh tế, cùng phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế vào việc bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia; bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam. Đồng thời là thành viên có trách nhiệm, đóng góp vào sáng kiến quan trọng tại các diễn đàn liên nghị viện thế giới và khu vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy đối thoại, hợp tác.
Tới đây, Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với Quốc hội, Nghị viện các nước đối tác, quan hệ đặc biệt, láng giềng, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác quan trọng khác; nâng tầm đối ngoại đa phương. Chủ động phát huy vai trò của Quốc hội trong các vấn đề then chốt, quan trọng có tầm chiến lược tại các cơ chế liên nghị viện đa phương quốc tế và khu vực. Tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược trong lĩnh vực đối ngoại để chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Nâng cao hiệu quả cơ chế điều hòa, phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan của Quốc hội và giữa Quốc hội với cơ quan Đảng, Chính phủ trong triển khai các hoạt động đối ngoại. Chỉ đạo việc cung cấp thông tin đối ngoại toàn khóa, thông tin đối ngoại hằng năm nhằm kịp thời phản ánh chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước, chuyển tải thông tin đối ngoại của Quốc hội, đất nước tới bạn bè quốc tế. Thông tin các vấn đề, sự kiện quốc tế, hoạt động của nghị viện các nước, các tổ chức nghị viện quốc tế có liên quan đến Việt Nam tới các đại biểu Quốc hội và công chúng trong nước…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phản ánh, đề xuất, góp ý với Quốc hội để công tác đối ngoại quốc gia và ngoại giao Nghị viện của Quốc hội thành công hơn nữa trong thời gian tới./.