Chiều 14/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách giáo khoa
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện có một số nội dung chưa thực sự phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước về thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục.
Nghị quyết 29-NQ/TW yêu cầu trong phát triển giáo dục và đào tạo phải “bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa”; “chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường”. Luật Giáo dục 2019 quy định về xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục: “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục”.
Theo tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ (từ lớp 1 đến lớp 12, gồm 137 đầu sách); các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn sách giáo khoa (một hoặc một số đầu sách theo khả năng), không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ sách giáo khoa.
Đoàn giám sát cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được 1 bộ sách giáo khoa bằng ngân sách nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước.
Đây vừa là tồn tại, cũng vừa là nguyên nhân của các hạn chế khác liên quan tới trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong cập nhật, chỉnh sửa, phát triển chương trình, nội dung giáo dục phổ thông; quản lý các rủi ro trong trường hợp không có sách giáo khoa hoặc sách giáo khoa không bảo đảm chất lượng, yêu cầu; quản lý, điều tiết giá sách giáo khoa; thực hiện chính sách xã hội đối với học sinh khuyết tật, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm về các tồn tại, hạn chế trong quá trình quản lý, tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những kiến nghị được nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát.
Đồng tình các kiến nghị đề xuất để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, do đó cần quán triệt sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, thực hiện tốt vai trò quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, sáng tạo của nhân dân và toàn xã hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị khẩn trương hoàn thiện về thể chế, nhất là những vấn đề báo cáo giám sát đã chỉ ra, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để triển khai chương trình mới; tăng cường tuyên truyền, quán triệt triệt để, sâu rộng và hiệu quả hơn nữa, tạo sự thống nhất, thông suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện; sự tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, cần chú trọng chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, quản lý chặt chẽ giá sách giáo khoa; sớm ban hành phương pháp định giá sách giáo khoa, định giá tối đa sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách giáo khoa.
Về việc biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội; đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa.
Việc in, phát hành, cung ứng sách giáo khoa thực hiện theo cơ chế xã hội hóa. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản bộ sách giáo khoa do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết dứt điểm vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ, bảo đảm cơ cấu, chất lượng; nghiên cứu, đề xuất chính sách về giáo viên, cụ thể là trong quá trình chuẩn bị Luật điều chỉnh về nhà giáo.
Cùng với đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm “đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”; bố trí đầy đủ ngân sách cho triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn đến phát hành sách giáo khoa
Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến bày tỏ đồng tình nhất trí cao với dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát, nhất là các nhóm giải pháp lớn. Từ góc độ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Chiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm đến 3 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau.
Một là việc có cần thiết hay không một bộ sách giáo khoa mà do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội nêu rõ việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông để chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn khác.
Như vậy, khuyến nghị của Đoàn giám sát đưa ra là trên cơ sở Nghị quyết số 88/2014/QH13. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng thời gian tới các cơ quan cần tiếp tục bàn thảo thấu đáo, nhuần nhuyễn. Ông Chiến nhấn mạnh, nhất thiết phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn phát hành và phải giảm giá sách giáo khoa phù hợp đối với thu nhập của người dân hiện nay.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng lưu ý, phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động truyền thông để tạo sự thống nhất cao trong nội bộ ngành giáo dục, đào tạo và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thực hiện tốt hơn nữa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.
Ngoài ra, ông Đỗ Văn Chiến cho rằng cần phải có chính sách để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, những nơi còn khó khăn, đề nghị cần quán triệt sâu sắc hơn nữa nguyên lý cơ bản về chính sách dân tộc - tiếp cận cả 2 yếu tố, yếu tố địa bàn và yếu tố dân tộc.
Liên quan đến xây dựng bộ sách giáo khoa của Nhà nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, tại các cấp học, môn học đã có một số bộ sách giáo khoa được xã hội hóa. Phó Thủ tướng cũng cho rằng vấn đề này cần có đánh giá cụ thể kết quả thực hiện khi Nghị quyết giám sát được ban hành, từ đó có báo cáo đầy đủ, chính xác hơn.
Phó Thủ tướng khẳng định, Nhà nước phải luôn đóng vai trò chủ đạo, có trách nhiệm từ khâu xây dựng chương trình, thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa theo đúng tinh thần của Nghị quyết 88.
Mặc dù lựa chọn phương án xã hội hóa để thu hút các chuyên gia, nhà giáo dục, các thầy cô giáo tham gia xây dựng các bộ sách giáo khoa, tuy nhiên Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có trách nhiệm kiểm soát chất lượng bộ sách giáo khoa này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian tới Chính phủ sẽ nghiêm túc đánh giá toàn diện hơn, đánh giá đầy đủ hơn về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của Đoàn giám sát đã hoàn thành các nhiệm vụ giám sát theo đúng kế hoạch, yêu cầu.
Đánh giá chung về kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội đã được cả hệ thống chính trị, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục và toàn thể đội ngũ giáo viên, nhà quản lý giáo dục phổ thông tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và quyết tâm cao, tạo ra chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương rút kinh nghiệm về các tồn tại, hạn chế; quán triệt về các bài học kinh nghiệm; khẩn trương triển khai các kiến nghị được nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát, bảo đảm triển khai thành công Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội.
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết nhất trí với các nội dung cơ bản trong dự thảo Nghị quyết kết quả giám sát chuyên đề. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thành dự thảo Nghị quyết.