Giải quyết từ khâu sản xuất, xử lýPhát biểu trong buổi tọa đàm “Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn: Bất cập từ quản lý và giải pháp cho doanh nghiệp” của VCCI mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, hiện nay nói đến thực phẩm an toàn, chúng ta mới đang quan tâm tới khâu cuối cùng đó là khâu tiêu dùng, mà quên đi chuỗi thực phẩm tồn tại qua các khâu như sản xuất, vận chuyển. “Nếu chúng ta không giải quyết tốt khâu đầu tiên là khâu sản xuất, thì chưa giải quyết hết được gốc vấn đề của an toàn thực phẩm”. ông Hùng nhấn mạnh.
Trên thực tế, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ của các hộ dân, là nguyên nhân chính khiến cho cơ quan quản lý khó kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm. Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga cho biết: “Chúng ta có rất nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Mặc dù, có một số địa phương đã làm rất tốt trong giết mổ tập trung, cấm giết mổ tại gia đình. Tuy nhiên, giải pháp này mới đảm bảo được bước đầu về xử lý ô nhiễm môi trường, nhưng chưa thực hiện được vấn đề an toàn thực phẩm. Nếu người sản xuất kinh doanh không thực hiện nghiêm túc, không có sự quyết liệt của các địa phương, thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn bị thả nổi”.
Theo bà Trần Việt Nga, điểm yếu trong công tác quản lý an toàn thực phẩm là truy xuất nguồn gốc và thu hồi thực phẩm. Việt Nam chưa có hệ thống kiểm soát thực phẩm vì vậy, thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn tràn lan… Trong khi đó những năm qua, có rất nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, thực phẩm truy xuất nguồn gốc. Nhưng các doanh nghiệp vẫn còn loay hoay tìm thị trường, tìm sự cạnh tranh với thực phẩm bày bán ngoài chợ.
Thực tế cho thấy, việc tổ chức sản xuất lớn, sẽ có nhiều thuận lợi trong công tác quản lý. Bởi khi sản xuất lớn, các doanh nghiệp, tập đoàn người sản xuất mới quan tâm từng công đoạn trong sản xuất để xây dựng thương hiệu. Lúc đó, người dân mới thực sự được hưởng thực phẩm sạch; cơ quan quản lý mới có thể truy xuất nguồn gốc.
Xử lý chưa nghiêmMột vấn đề đáng bàn nữa là, hiện nay các biện pháp xử lý chưa mạnh, không tạo được sức răn đe. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có 168 vụ ngộ độc thực phẩm, với hơn 5.000 người mắc và khoảng 30 người tử vong. Riêng năm 2017, cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người mắc, 24 người tử vong. Cơ quan chức năng kiểm tra 625.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm (chiếm 19,8%). Qua đó, xử phạt hành chính 35.759 cơ sở với số tiền hơn 61 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2011-2016, dù số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm chuyển qua hình sự là 300 vụ, nhưng chỉ khởi tố một vụ. Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định, chính vì chế tài xử phạt không nghiêm như vậy, nên thực trạng sản phẩm không an toàn vẫn vô tư bày bán trên thị trường.
Theo ông Hồ Quang Thái, Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả, hiện nay, chúng ta có 5 Luật (trong đó có luật hình sự) 3 Nghị định, 3 Thông tư liên tịch và hàng chục Thông tư liên quan khác đến việc xử lý thực phẩm bẩn. Các văn bản Luật quy định cơ bản đã hoàn thiện, nhưng việc thực thi của các cơ quan chức năng dường như chưa chặt chẽ, thậm chí có tình trạng né tránh trách nhiệm hoặc năng lực nghiên cứu, vận dụng các văn bản pháp luật của cán bộ thực thi còn hạn chế nên việc thực thi chưa được thực hiện triệt để, còn bỏ sót lỗi vi phạm, bỏ sót tội danh.
Để cuộc chiến chống thực phẩm bẩn thực sự hiệu quả, thời gian tới các cơ quan thực thi pháp luật phải thực hiện một cách nghiêm minh hơn. Đặc biệt, cần phải xử lý các vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm một cách công khai, minh bạch với các chế tài đủ mạnh, đúng người đúng tội, nhằm tạo ra hiệu ứng dư luận tích cực, làm gương cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm.
HIẾU ANH