Giao lưu ẩm thực
Các món hàng hóa được bày bán chính ở chợ Campuchia là khô mực, các lóc khô, tôm khô, cá lóc rim... Tất cả các loại thực phẩm này đều được đánh bắt từ Biển Hồ (Campuchia). Bà Út Miên gốc Campuchia sang định cư buôn bán đã hơn 20 năm nay cho biết: “Khởi xướng buôn bán ở chợ này đều là người Campuchia hoặc gốc Campuchia, nhưng sau đó thì có thêm nhiều tiểu thương người Việt Nam nữa. Mỗi nước có một cách chế biến thực phẩm khác nhau. Chúng tôi chế biến theo cách Campuchia bằng các gia vị và bí quyết riêng nên khách rất ưa chuộng”.
Điều đặc biệt nhất là tất cả những người vào chợ Campuchia buôn bán đều phải cam kết không được buôn gian, bán lận. Không được tẩm bất kỳ loại gia vị nào có hại cho sức khỏe người tiêu dùng, nếu làm trái cam kết này thì sẽ bị bêu tên trước chợ và không được vào buôn bán nữa.
Hồ hởi, mến khách, chế biến món ăn ngon nhưng hầu hết các tiểu thương gốc Campuchia đều không giữ cho riêng mình mà tăng cường giao lưu, trao đổi với người Việt. Chị Ka A Ti Móc là con một chủ nhà hàng ở Phnôm Pênh sang định cư ở TP. Hồ Chí Minh gần 30 năm nay, chị chia sẻ: Thời buổi hội nhập, được người Việt Nam rộng cửa đón nhận và tận tình chỉ bảo nhiều món ăn ngon, chúng tôi cảm thấy ấm cúng như đang sống trên chính quê hương của mình vậy. Nhiều chủ nhà hàng và hộ dân người Việt khi có nhu cầu chế biến món ăn theo phong cách Campuchia đều được chị Ti Móc tận tình hướng dẫn.
Bà Trần Thị Hậu, chủ quán ăn Tám Hậu ở đường Lê Hồng Phong vui mừng như vừa khám phá thêm nhiều điều thú vị về đất nước Campuchia. Bà kể, bây giờ quán chúng tôi bán song hành cả 2 loại món ăn, món Việt Nam lẫn món Campuchia. Cùng thực phẩm cá, tôm nhưng người Campuchia chế biến sẽ có vị khác nên khách thấy thích thú. Không chỉ học cách làm món ăn của người Campuchia, chúng tôi còn học được ở họ cách mời chào, cung cách làm tiệc, đón khách... Có nhiều người bạn Campuchia rất tận tình, họ xem người Việt Nam mình như anh em nên khi được yêu cầu trao đổi điều gì, họ đến tận nhà chỉ bảo. Nhiều đứa trẻ con của người Campuchia ở chợ cũng rất thân thiện với trẻ em người Việt Nam, chúng cùng chơi, cùng học tiếng của nhau nữa.
Kết nối và tương trợ lẫn nhau
Tinh thần đỡ đần và gắn kết nhau cùng phát triển luôn được đề cao và biến thành những hành động thiết thực nên giờ đây đến chợ Campuchia hay vào các khu dân cư ở phường 1, quận 10, thấy cuộc sống của người dân luôn chan hòa. Bà Nguyễn Thị Lâm Tuyền, Phó Chủ tịch UBND phường 1 cho biết, phường có 14.000 nhân khẩu thì có đến một nửa là người gốc Campuchia hoặc người Việt Nam sinh sống lâu năm từ Campuchia hồi hương về. Không chỉ bén duyên trên đất Việt, nhiều người Campuchia còn nên duyên với người Việt Nam nữa. Hai dân tộc khác nhau nhưng sống rất đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, hầu như không bao giờ xảy ra xích mích. Ấn tượng nhất là người Campuchia rất mê văn hóa và lối sống của người Việt Nam.
Theo gia đình sang sinh sống ở đường Lê Hồng Phong và ra chợ buôn bán nhiều năm nay, chị Ka Ti Thom đem lòng yêu mến anh Trần Văn Toản, một nhiếp ảnh gia tự do. Chị Thom kể, trước khi quyết định sang đây ở lâu dài cùng gia đình, chị đã chăm chỉ học tiếng Việt. Khi gặp anh Toản, chị Thom lại hiểu thêm được nhiều thứ, đặc biệt là phong cảnh ở mọi miền của đất nước Việt Nam qua những bức ảnh anh Toản đã chụp. Chị Thom còn thuộc rất nhiều chuyện cổ tích và ca dao Việt Nam. Mỗi lần trở về nước, chị lại kể về những điều tốt đẹp và đáng nhớ mà mình đã thu nhận được từ quê chồng cho những người ở quê gốc cùng nghe.
Hai từ “xứ người” như đã xóa nhòa trong kí ức của chị Ka Ti Thom, bà Huỳnh Thị Huôi cùng nhiều người Campuchia khác đến định cư xung quanh chợ Lê Hồng Phong. Bà Huôi tự hào cho biết: “Bây giờ thì Sài Gòn thân thuộc như Phnôm Pênh rồi. Những người bạn hàng lẫn hàng xóm người Việt rất chân tình, chúng tôi không e ngại nhau bất cứ điều gì cả. Càng hiểu thêm đất nước Việt Nam, càng thêm yêu mến”.
MỸ NGA - ĐÔNG HƯNG