Trong ngày hôm nay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đưa vào khai thác tạm thời đối với phân đoạn từ nút giao Đông Xuân đến cuối tuyến (dài 9,7 km) của dự án đoạn Mai Sơn - QL45, dự án đoạn QL45 - Nghi Sơn và dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, tạo trục cao tốc xuyên suốt từ Pháp Vân (Hà Nội) đến Nghệ An với tổng chiều dài 251 km.
Cụ thể, dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng chiều dài tuyến hơn 63km, có 5 nút giao, gồm: Nút giao với tỉnh lộ 477 (thuộc địa phận huyện Yên Mô, Ninh Bình); Nút giao với đường trục Đồng Giao (tại TP Tam Điệp, Ninh Bình); Nút giao với Quốc lộ 217B (thuộc địa phận xã Hà Long, huyện Hà Trung, Thanh Hoá); Nút giao với Quốc lộ 217 (thuộc địa phận xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung) và nút giao Đông Xuân (xã Đông Xuân, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa).
Trước đó, ngày 29/4 vừa qua, dự án đã được Bộ GTVT tổ chức đưa vào khai thác đối với đoạn tuyến từ đầu dự án đến Km327+780 (hết nút giao Đông Xuân) với chiều dài 53,67 km. Tổng mức đầu tư hơn 12.100 tỷ đồng.
Dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có chiều dài tuyến 43,28 km. Trong đó có 2 nút giao liên thông gồm: Nút giao Vạn Thiện - Km351+320 kết nối với Quốc lộ 45 và đường Nghi Sơn - Thọ Xuân; Nút giao Nghi Sơn - Km379+500 kết nối với Hồ Chí Minh đoạn Nghi Sơn - Bãi Trành và đường vào nhà máy xi măng Công Thanh. Tổng mức đầu dự án hơn 5.500 tỷ đồng.
Dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu có chiều dài tuyến 50km; Trong đó, có 3 nút giao liên thông gồm: Nút giao Quỳnh Vinh - Km389+970 kết nối với Quốc lộ 48D; Nút giao Quỳnh Mỹ - Km405+689 kết nối với Quốc lộ 48B; Nút giao Diễn Cát - Km429+715 kết nối với Quốc lộ 7 (cách điểm cuối tuyến khoảng 300m). Tổng mức đầu tư dự án là hơn 7.293 tỷ đồng.
Để tạo thuận lợi, an toàn cho phương lưu thông trên các tuyến cao tốc mới thông xe, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ phê duyệt phương án tổ chức giao thông kể từ ngày 1/9.
Đường cao tốc chỉ phục vụ cho xe ô tô con, ô tô khách, ô tô tải từ 10 tấn trở xuống. Các đối tượng không được tham gia giao thông trên đường ô tô cao tốc gồm: xe tải trên 10 tấn, xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ từ 70km/h trở xuống, xe thô sơ, người đi bộ.
Người, phương tiện thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc có phù hiệu hoặc biểu tượng riêng thì được đi lại trên đường cao tốc (không quy định tốc độ) nhưng không gây ảnh hưởng và cản trở giao thông trên đường cao tốc.
Xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ nằm trong danh mục hàng nguy hiểm được Chính phủ quy định chỉ được lưu thông trên đường cao tốc khi có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Người lái xe tham gia giao thông trên đường cao tốc phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, các quy tắc tham gia an toàn theo quy định pháp luật hiện hành (Không cho xe chạy vào nơi dừng đỗ khẩn cấp và phần lề đường.
Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường. Người lái xe trên đường cao tốc khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải đảm bảo an toàn.
Trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe khẩn cấp người lái xe phải đưa xe ra làn dừng xe khẩn cấp đặt các vật báo hiệu và thông báo đường dây nóng hỗ trợ.
Các phương tiện đầy đủ các điều kiện lưu thông trên đường bộ được phép lưu thông trên đường cao tốc được tham gia giao thông trên tuyến cao tốc với tốc độ tối đa 80km/h và tốc độ tối thiểu 60km/h.
Trong thời gian các dự án được đưa vào khai thác tạm, Bộ GTVT đề nghị địa phương phối hợp với chủ đầu tư, lực lượng chức năng kiểm soát và ngăn chặn những trường hợp phương tiện thô sơ di chuyển trên cao tốc, đối diện nguy cơ mất an toàn.