Cùng tham dự buổi lễ tại điểm cầu An Giang còn có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; lãnh đạo các bộ: Tài nguyên Môi trường, Giao thông Vận tải, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Quân Khu 9; lãnh đạo các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, cùng lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND và các sở, ban nghành tỉnh An Giang.
Phát biểu tại Lễ Khởi công, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Duy Lâm cho biết: Thực hiện Công văn số 4260/VPCP-CN ngày 9/6/2023 của Văn phòng Chính phủ, Lễ khởi công 4 dự án thành phần thuộc Dự án đấu từ xây dựng Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ giai đoạn 1 đã được tổ chức với hình thức trực tuyến. Điểm cầu chính tại An Giang và các điểm Cầu TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.
Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ được đầu tư xây dựng nhằm hình thành trục ngang trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) qua TP. Cần Thơ, tỉnh An Giang, Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng ĐBSCL với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Dự án được đầu tư sẽ góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Dự án Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2km đi qua 4 tỉnh, thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.
Điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 thuộc Tp. Châu Đốc, tỉnh An Giang, điểm cuối giao Quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng). Tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, việc thực hiện đầu tư đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng phù hợp với phướng hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 21-NQ/TW "xây dựng vùng ĐBSCL trở thành một vùng kinh tế trọng điểm phát triển của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững" và chủ trương đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã được xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao thông” để thực hiện mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc”.
Sau một thời gian tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng để đến hôm nay tại An Giang và 3 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, chúng ta đồng loạt khởi công 4 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Trong thời gian rất ngắn, khoảng 1 năm, so với mức trung bình 2 năm so với cách triển khai thông thường, tỉnh An Giang và 3 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng cùng các bộ, ngành, các đơn vị liên quan… đã nỗ lực để khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần với mục tiêu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ toàn tuyến cao tốc trong năm 2026. Điều này đặc biệt có ý nghĩa, khi Dự án tuyến đường bộ cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua trung tâm vùng ĐBSCL với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo sức lan tỏa, động lực và dư địa để phát triển kinh tế - xã hội khu vực; phát huy hiệu quả khai thác các tuyến trục dọc, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng; từng bước hình thành trục kết nối, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội giữa Việt Nam với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông.
“Tôi đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của UBND các tỉnh thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, các Ban Quản lý dự án, các đơn vị tư vấn; đặc biệt là các tỉnh, thành phố đã phối hợp triển khai. Biểu dương chính quyền và Nhân dân 4 tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện Dự án. Kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, tuy nhiên công việc sắp tới còn rất lớn và nhiều thách thức. Đó là phải tiếp tục giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại trong đó có nhiều vị trí tập trung đông dân cư, dễ phát sinh các khiếu nại. Đó là chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng, bãi đổ thải rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong cấp phép khai thác", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan của Trung ương, UBND 4 tỉnh, thành phố cùng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để Ban Quản lý dự án và các nhà thầu thi công Dự án bảo đảm tiến độ, hiệu quả. Đặc biệt yêu cầu tỉnh An Giang bố trí và các tỉnh có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho Dự án. UBND các tỉnh cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà thầu thi công Dự án một cách nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật. UBND 4 tỉnh, thành phố triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng theo quy định; bảo đảm việc bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.
Bộ Giao thông vận tải chịu trách kiểm tra, giám sát việc thực hiện tuân thủ quy chuẩn xây dựng, quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải, kế hoạch đầu tư, xây dựng công trình, dự án, kết nối đồng bộ với mạng lưới công trình giao thông đang khai thác. Hướng dẫn quy trình triển khai dự án cho các địa phương nhằm bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất; hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề kỹ thuật chuyên ngành (quy chuẩn, tiêu chuẩn, giải pháp kỹ thuật...); kiểm tra, giám sát và đôn đốc các địa phương trong quá trình thực hiện, bảo đảm tiến độ Dự án.
Mỗi cá nhân tham gia Dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, với ngành và cao hơn nữa với Nhân dân với Tổ quốc; đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần triển khai các dự án thành phần đúng tiến độ với tinh thần “tất cả vì Nhân dân, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước”.
"Đầu tư hạ tầng giao thông không chỉ là nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải, mà làm nhiệm vụ chính trị hàng đầu của các địa phương, các bộ, ngành vì chính lợi ích thiết thực của các địa phương. Chính phủ sẽ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành Dự án cũng như những Dự án đầu tư phát triển hạ tầng khác đúng tiến độ, chất lượng; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Dự án xây dựng công trình Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, được chia thành 4 dự án thành phần và giao UBND các tỉnh, thành phố làm cơ quan chủ quản triển khai đầu tư. Trong đó, tỉnh An Giang - dự án thành phần 1, dài 57,2km; TP Cần Thơ - dự án thành phần 2, dài 37,2 km; tỉnh Hậu Giang - dự án thành phần 3, dài 36,9 km; tỉnh Sóc Trăng - dự án thành phần 4, dài 56,9 km.