Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó quy định cụ thể điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Với Nghị định này, Nghị định 109 năm 2010 đã chính thức được bãi bỏ và cùng với đó, các điều kiện xuất khẩu gạo gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp cũng được cắt giảm.
Cụ thể, theo Nghị định 109 trước đây, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải: Có ít nhất 01 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; có ít nhất 01 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Đồng thời, kho chứa, cơ sở xay, xát này phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
Nay, theo Nghị định 107 mới được ban hành, thương nhân được kinh doanh xuất khẩu gạo khi: Có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh tại nêu trên có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê của tổ chức, cá nhân khác, có hợp đồng thuê bằng văn bản theo quy định của pháp luật với thời hạn thuê tối thiểu 5 năm.
Như vậy, quy định về quy mô kho chứa tối thiểu 5.000 tấn và công suất cơ sở xay xát tối thiểu 10 tấn thóc/giờ đã được bãi bỏ.
Đồng thời, thương nhân cũng không phải đáp ứng quy định về địa điểm kho chứa, cơ sở xay xát như trước đây. Và thay vì phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay xát như trước đây, nay thương nhân có thể đi thuê.
Tuy nhiên, Nghị định 107 cũng quy định rõ, thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo không được cho thuê, cho thuê lại kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo đã được kê khai để chứng minh việc đáp ứng điều kiện kinh doanh trong đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận của mình để thương nhân khác sử dụng vào mục đích xin cấp Giấy chứng nhận.
Đặc biệt, Nghị định 107 vừa ban hành đã mở ra một quy định rất thoáng cho thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Theo đó, thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định nêu trên, được xuất khẩu các loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông và có trách nhiệm báo cáo theo quy định.
Khi thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không có Giấy chứng nhận chỉ cần xuất trình cho cơ quan Hải quan bản chính hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền văn bản xác nhận, chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc chứng thư giám định gạo xuất khẩu do tổ chức giám định cấp theo quy định của pháp luật về việc sản phẩm gạo xuất khẩu phù hợp với các tiêu chí, phương pháp xác định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế hướng dẫn.
Hồi tháng 3 năm ngoái, chủ trì Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu sửa đổi Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo với tinh thần là không đưa nhiều quy định phức tạp trong xuất khẩu gạo.
Thời gian qua, đã có nhiều ý kiến từ các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị bãi bỏ một số điều kiện với xuất khẩu gạo trong Nghị định 109, đặc biệt là các điều kiện liên quan đến quy mô của doanh nghiệp như có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, ít nhất 1 cơ sở xay, xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ.
Theo các chuyên gia, việc đặt ra các quy định về số lượng phương tiện, thiết bị, cơ sở vật chất… tối thiểu như trên là không phù hợp với kinh tế thị trường, khiến doanh nghiệp phải chịu một chi phí rất lớn để khởi nghiệp, hạn chế rất nhiều tính năng động, sáng tạo của người dân, hạn chế các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này.
Theo cổng TTĐT Chính phủ