Năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 406/QĐ – UBND ngày 10/3/2022 phê duyệt 1.649 Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Trong đó, huyện Chi Lăng có 158 Người có uy tín (gồm 143 nam, 15 nữ, chủ yếu là 2 dân tộc Tày và Nùng), có 96 Người uy tín là đảng viên.
Những năm qua, các chính sách đối với Người có uy tín tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai đồng bộ, đầy đủ theo quy định, góp phần động viên, khuyến khích Người có uy tín tích cực phát huy vai trò của mình. Qua đó, đội ngũ những Người có uy tín trên địa bàn huyện Chi Lăng luôn gương mẫu và tích cực trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia giải quyết nhiều vụ việc phức tạp tại cơ sở; là nhân tố tích cực tham gia tố giác, đấu tranh chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển kinh tế, Người có uy tín đã tham gia tích cực và đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đổi mới cách làm ăn, xây dựng vườn đồi, làm kinh tế, trang trại, vươn lên phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Điển hình như ông Tô Đức Bình, dân tộc Nùng, Người có uy tín ở thôn Khun Khính, xã Bằng Hữu- xã vùng 3 của huyện Chi Lăng.
Tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, từ năm 2020, ông Bình đã tiên phong mạnh dạn vay vốn theo Nghị quyết 08 về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 để đầu tư, mở rộng diện tích trồng 700 cây na Chi Lăng và chăn nuôi ngựa.
Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây na nên vụ thu hoạch na đầu tiên năm 2022, dù mới có khoảng 30% số cây na cho thu hoạch quả, nhưng gia đình ông đã có nguồn thu 70 triệu đồng. Giống na Chi Lăng quả to, ngọt đậm nên bán ra thị trường rất thuận lợi, dễ dàng. Vụ thu hoạch na năm nay, gia đình ông Bình ước tính sẽ có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Ngoài cây na, hiện tại gia đình ông Bình đang nuôi 5 con ngựa, giống ngựa được mua từ xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng về nên phát triển rất tốt, có khả năng mang giá trị kinh tế cao cho gia đình.
Còn tại thôn Bình Trung, xã Vân An, cũng là xã vùng 3 của huyện Chi Lăng, ông Vi Văn Xuân, Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Tày, cũng là một điển hình trong phát triển kinh tế rừng kết hợp trồng cây ăn quả, vươn lên làm giàu chính đáng. Gia đình ông Xuân đầu tư trồng và cải tạo vườn sở kết hợp với trồng chuối tiêu hồng, cây ăn quả có múi, cây mận, trồng cây lương thực… hàng năm có thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng.
Bản thân ông Xuân cũng luôn đi đầu phối hợp với các đoàn thể ở thôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Ông luôn động viên bà con người Tày phát huy tinh thần tự lực, phát huy nội lực, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tương trợ giúp đỡ nhau về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất, vươn lên làm giàu từ phát triển kinh tế vườn đồi. Với tinh thần giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, nhiều hộ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã thoát nghèo bền vững, một số hộ nghèo vươn lên thành hộ khá giả.
Điển hình như hộ gia đình bà Hoàng Thị Viền cùng thôn Bình Trung trước kia chỉ dựa vào 1 ao nuôi cá trắm, cá mè…, nguồn lợi thu được không cao, lại khó tiêu thụ. Năm 2019, được cán bộ xã và Người có uy tín Vi Văn Xuân đến tận nhà tuyên truyền, phát triển kinh tế từ chăn nuôi vịt và tạo điều kiện tham gia lớp tập huấn về mô hình, bà Viền đã mạnh dạn nuôi 3 lứa vịt mỗi năm, mỗi lứa 150 hoặc 200 con vịt. Chỉ sau hơn 2 tháng, vịt được thu mua tận nhà với giá 200 nghìn đồng/con, đem lại thu nhập khoảng 30 triệu đồng/lứa, kinh tế gia đình dần ổn định hơn.
Khẳng định về vai trò đội ngũ những Người có uy tín trên địa bàn huyện Chi Lăng, ông Nông Văn Tài, Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội - Dân tộc huyện Chi Lăng cho rằng, họ là những tấm gương sáng trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, canh tác, góp phần thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG, đặc biệt gần đây nhất là Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ 2021 đến năm 2025.
“Điểm nổi bật của những Người có uy tín trong công tác dân vận, là khả năng tập hợp quần chúng, là cách nói có tình, có lý và quan trọng nhất là tinh thần nêu gương của Người uy tín. Với bà con ở vùng cao thì mọi lời nói phải được kiểm chứng bằng hành động, việc làm và kết quả cụ thể. Bà con tận mắt thấy, tai nghe thì mới tin, mới làm theo. Những Người có uy tín trên địa bàn huyện Chi Lăng đã làm được điều đó, vì vậy, họ luôn xứng đáng là Người có uy tín, là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho cộng đồng”, ông Nông Văn Tài nhấn mạnh.
Cuối năm 2022, 60 Người uy tín tiêu biểu có thành tích trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022 của tỉnh Lạng Sơn đã được biểu dương, tôn vinh và nhận giấy khen của Ban Dân tộc tỉnh. Trong số đó, huyện Chi Lăng có 6 Người có uy tín được biểu dương, tôn vinh.