Gần đây, Báo Dân tộc và Phát triển có phản ánh nhiều vùng đồng bào DTTS sống cạnh sông vẫn bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Ví dụ như bài “Sống cạnh sông vẫn khan hiếm nước sinh hoạt” phản ánh hàng chục năm nay, người dân huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai thiếu nước trầm trọng. Hay trước đó, Báo có bài “Bất thường giếng ven sông Mã bỗng dưng cạn nước” ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa bị cạn nước. Thế nhưng, điều đáng nói là mặc dù người dân phản ánh nhiều, báo chí cũng đã lên tiếng nhưng người dân vẫn phải từ từ chờ giải pháp.
Những sự việc trên phản ánh một thực tế tồn tại từ lâu trong việc đầu tư vùng DTTS đó là, những vùng càng sâu, càng xa thì càng dễ nhìn thấy và được ưu tiên đầu tư. Còn những vùng đồng bào DTTS ở gần trung tâm dễ rơi vào tình trạng “chân cột đèn”, tức là ở rất gần bóng điện nhưng lại không được chiếu sáng.
Ví dụ như việc đầu tư nước sạch cho người DTTS chẳng hạn. Nếu như các dự án này ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa thì dễ được thông qua, thậm chí thuộc diện cấp bách. Nhưng nếu như dự án nằm ở gần trung tâm hơn thì sẽ phải chờ đợi thậm chí là chờ đợi rất lâu.
Không chỉ có việc cấp nước sinh hoạt, nói rộng hơn ở các lĩnh vực khác như cấp đất sản xuất, cấp giống cây trồng hay bảo tồn văn hóa… cũng ở trong tình trạng tương tự.
Dẫu biết rằng, những vùng sâu, vùng xa cần được ưu tiên trước, nhưng chúng ta cũng không nên “bỏ quên” những vùng DTTS ở gần trung tâm. Thực tế những vùng DTTS này đang thiếu đi sự quan tâm, dẫn đến chậm chễ trong việc thụ hưởng các chính sách. Không chỉ là nước sinh hoạt mà các lĩnh vực khác nhất là việc bảo tồn văn hóa. Những vùng đồng bào DTTS gần trung tâm hơn lại chính là những vùng bị mai một văn hóa nhiều nhất...
KẺ SĨ