Bốn bị cáo bao gồm: Nguyễn Thị Nguyệt Hòa (SN 1998); Đồng Văn Mạnh (SN 1996) cùng trú tại thôn Dâu, xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang); Nhàn Văn Dũng (SN 2005; thường trú tại xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) và Hoàng Văn Sơn (sinh năm 2006; thường trú tại xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng).
Trước đó, ngày 30/6/2023, cơ quan Công an đã tiếp nhận đơn trình báo của bà Mèo Thị Khíao (SN 1985) là mẹ đẻ của Hoàng Thị Vân (SN 2007) trú tại xóm Chè Lếch, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) và đơn trình báo của ông Lý Văn Sỉnh (SN 1976) là bố đẻ của Lý Thị Vui (SN 2008, trú tại xóm Minh Thành, xã Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) trình báo về việc Hoàng Thị Vân và Lý Thị Vui bị một số đối tượng lừa bán sang Myanmar vào khoảng đầu tháng 3/2023.
Quá trình điều tra xác định: Tháng 8/2022, Nguyễn Thị Nguyệt Hòa và chồng là Đồng Văn Mạnh có thuê lại quán karaoke "Lasvegas" của Nguyễn Hồng Kỳ, (SN 1992, thường trú tại xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) để kinh doanh. Sau khi thuê quán được khoảng 1 tháng, quán dừng hoạt động do không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy. Tuy vậy, Hòa vẫn tuyển nhân viên nữ để đi phục vụ các quán hát tại huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang).
Khoảng tháng 2/2023, Hòa truy cập vào hội nhóm tuyển dụng nhân viên trên mạng xã hội Facebook và quen biết một người phụ nữ ở Myanma gọi là "Meo" (là người Việt Nam, không biết họ, tên, địa chỉ).
Quá trình nói chuyện, "Meo" nói với Hòa là tìm phụ nữ trẻ đưa sang cho "Meo" để làm nhân viên phục vụ quán hát, lương tháng 30-40 triệu đồng/người/tháng, "Meo" sẽ trả cho Hòa 5% tiền thu nhập hằng tháng của một người sang làm cho "Meo".
Từ tháng 3/2023, Nguyễn Thị Nguyệt Hòa, Đồng Văn Mạnh, Hoàng Văn Sơn và Nhàn Văn Dũng đã nhiều lần có hành vi tuyển người đưa ra nước ngoài bán làm gái mại dâm để kiếm lời, các nạn nhân là: Hoàng Thị Vân, Lý Thị Vui và Đặng Thị Hồng Thuận bị đưa sang Myanma cho “Meo” để làm gái bán dâm. Thời điểm này Hoàng Thị Vân 16 tuổi 1 tháng 14 ngày; Lý Thị Vui 14 tuổi 7 tháng 11 ngày; Đặng Thị Hồng Thuận 14 tuổi 7 tháng 18 ngày.
Sau đó Hòa, Mạnh, Sơn, Dũng tiếp tục đưa Nguyễn Thị Hải và Nguyễn Thị Ngọc Anh sang Myanma bán cho “Meo” để làm gái bán dâm. Tuy nhiên, khi Sơn, Dũng đưa Hải, Anh đến thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị thì bị Công an thành phố Đông Hà phát hiện bắt giữ. Thời điểm này, Nguyễn Ngọc Anh 12 tuổi 8 tháng 18 ngày.
HĐXX đã tuyên phạt 4 bị cáo: Nguyễn Thị Nguyệt Hòa 28 năm tù; Đồng Văn Mạnh 26 năm tù; Hoàng Văn Sơn 17 năm tù; Nhàn Văn Dũng 15 năm tù về hai tội "Mua bán người" và "Mua bán người dưới 16 tuổi".
Mới đây ngày 31/5/2024, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành giải cứu thành công 2 nạn nhân nữ bị lừa bán ra nước ngoài, đưa về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) một cách an toàn. Hai nạn nhân là N.T.T. và L.T.H. (cùng SN 2005, dân tộc Phù Lá, ngụ xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai).
Các nạn nhân cho biết vào cuối năm 2019, khi vừa học hết lớp 7, N.T.T. và L.T.H. đã bị lừa bán qua Trung Quốc, sau đó lại bị bán qua Myanmar. Đến tháng 12/2023, cả hai một lần nữa bị bán sang đặc khu Bò Kẹo (Lào). Tại những nơi bị bán, các nạn nhân bị ép buộc làm việc, bị đánh đập, ngược đãi thể xác, tinh thần và không được trả tiền công, hai nạn nhân sau đó đã làm đơn cầu cứu đến BĐBP Hà Tĩnh.
Trước đó tại một số địa phương như: Lạng Sơn, Hải Dương: cuối năm 2023, Công an huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn cũng đã bắt giữ hai đối tượng Lương Văn Đức (sinh năm 1991, trú tại huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) và Hoàng Ngọc Luân (sinh năm 2001, trú tại xã huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) để điều tra về hành vi “Mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi”. Cũng với chiêu bài tuyển dụng đi làm nhân viên lao động có thu nhập cao, Đức và Luân đã lên mạng xã hội tìm kiếm, dụ dỗ thiếu nữ đi làm rồi bán vào quán karaoke làm nhân viên phục vụ, sau đó móc nối đưa người ra nước ngoài bán vào các tụ điểm mại dâm.
Cũng cuối năm 2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương cũng đã triệt phá thành công đường dây mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi do các đối tượng Lê Minh Công (sinh năm 1997, thường trú tại thôn Hoàng Xá, xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), Hoàng Văn Toản (sinh năm 2002) và Hoàng Văn Khiêm (sinh năm 2006, cùng thường trú tại xã Chiềng Kheo, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) tổ chức. Nạn nhân là em Q.T.V và em họ là cháu Q.T.H (sinh năm 2007), cùng trú tại tỉnh Điện Biên bị bán làm nhân viên phục vụ quán Karaoke ở Hải Dương, sau đó chúng móc nối để bán vào các tụ điểm mại dâm.
Hiện nay tình trạng mua bán trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái ở vùng đồng bào DTTS vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage, thậm chí ổ mại dâm ở nước ngoài đang có diễn biến phức tạp. Trước đây, các đối tượng thường hoạt động thành nhóm 2 đến 3 người, đến những vùng cao hẻo lánh, nơi có đồng bào DTTS sinh sống, nhắm tới những trẻ em gái có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đi học hoặc những thiếu nữ đua đòi, nghịch ngợm để dụ dỗ, lôi kéo. Đã có nhiều vụ giải cứu được lực lượng Công an thực hiện, thế nhưng tình trạng này vẫn diễn biến khá phức tạp trên mạng xã hội, vì vậy cần sự nâng cao cảnh giác của chính những người trong cuộc.
Cơ quan Công an khuyến cáo các bậc cha mẹ cần hết sức tỉnh táo khi để con cái mình đi xin việc ở nơi xa, thông qua thông tin tuyển dụng trên các mạng xã hội. Vì không có bất cứ cơ sở làm ăn chân chính nào lại trả cho nhân viên phục vụ với mức lương “khủng” cả và cũng không thể tìm đâu ra công việc của một lao động phổ thông chỉ cần ngồi chơi, rót nước, tiếp khách... là có thể kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Hiện nay, các thương hiệu lớn đều chủ trương công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh, tuyển dụng… Vì vậy, người lao động khi nhận được bất kỳ lời mời ứng tuyển nào thì cần thận trọng kiểm tra thông tin ở các nguồn tin chính thống của doanh nghiệp. Đồng thời kiểm tra kỹ thông tin bằng nhiều cách: gõ trực tiếp tên miền của tổ chức, doanh nghiệp mình muốn ứng tuyển vào cửa sổ trình duyệt để truy cập trực tiếp, không nên truy cập vào đường link nhận được hoặc có thể gọi điện trực tiếp vào số hotline của doanh nghiệp để kiểm tra chéo thông tin trước khi đưa ra quyết định.