Bùng phát dịp đầu nămTheo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 855 trường hợp mắc bệnh TCM; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa khám, điều trị 427 trường hợp; điều trị nội trú 408 trường hợp, trong đó có 36 trường hợp bệnh độ 2b trở lên.
Còn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 8, tháng 9 khi trẻ nhập học trở lại, số bệnh nhi mắc TCM đã tăng nhanh. Với tổng số 3.088 ca TCM được báo cáo (gồm 457 ca nội trú và 2.631 ca ngoại trú) số trẻ mắc bệnh tháng 8 đã tăng 115% so với tháng 7 (1.438 ca). Tổng số bệnh nhi mắc TCM tích lũy từ đầu năm đến nay là 9.718 ca, rất may chưa có ca nào tử vong.
Ông Trần Đức Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong hơn 8 tháng đầu năm, số mắc bệnh TCM tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Nam và một số tỉnh khu vực miền Trung như: Đồng Nai, Đồng Tháp, Cà Mau, Bình Dương, Bạc Liêu, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi.
Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh TCM vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng do trẻ em, học sinh tập trung trở lại vào năm học mới, vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi học tập, vui chơi của trẻ chưa được đảm bảo, đặc biệt tại các trường mầm non, cơ sở giáo dục đào tạo, nhất là ở các địa bàn vùng DTTS.
Cần tăng cường cảnh giác
Nói về bệnh TCM, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh cho biết, dấu hiệu điển hình của bệnh TCM bao gồm: Sốt từ 1-3 ngày hay 5–7 ngày tùy từng diễn biến của bệnh, kèm theo nổi nốt loét trong miệng khiến trẻ đau, quấy khóc, kém ăn và nổi hồng ban bóng nước ở những vị trí đặc trưng khác như: lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, đùi, bẹn hay bộ phận sinh dục ngoài.
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu này, cha mẹ nên cho con đến các cơ sở y tế thăm khám để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng. Phụ huynh cần cẩn thận theo dõi, quan sát trẻ, đồng thời cũng nên xin phép cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan. Khi thấy có những dấu hiệu nặng của bệnh, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng bệnh TCM, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình có trẻ nhỏ lưu ý 5 biện pháp: Thứ nhất, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Thứ hai, thực hiện tốt vệ sinh ăn uống. Thứ ba, thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập. Thứ tư, cách ly với người mắc bệnh. Thứ năm, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Ông Trần Đức Phu cho biết thêm, để hạn chế sự bùng phát của bệnh TCM, Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh TCM dịp đầu năm học mới. Theo đó, Cục Y tế dự phòng đề nghị các cơ sở tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe với phương châm truyền thông đi trước một bước, lấy phòng bệnh là chính.
Đồng thời, các cơ sở cần tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh TCM, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ cho việc chẩn đoán, thu dung, điều trị bệnh nhân và xử lý ổ dịch. Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại nơi ghi nhận trường hợp mắc bệnh và khu vực có ổ dịch cũ.
HIẾU ANH