Kết quả giảm nghèo chưa bền vững
Theo báo cáo của Chính phủ, thời gian qua, việc thực hiện CTMTQG xây dựng NTM và CTMTQG giảm nghèo bền vững đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong CTMTQG xây dựng NTM, cả nước có 3.542 xã (39,7%) được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 2.010 xã (22,5%) so với cuối năm 2015; có 55 đơn vị cấp huyện thuộc 28 địa phương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tăng 40 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2015. Trong CTMTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, đạt và vượt so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 100/2015/QH13 là từ 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo bình quân mỗi năm giảm 5,43%/năm, đạt mục tiêu Quốc hội giao. Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1-1,3% so với đầu năm 2018, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%. Cùng với việc giảm số hộ nghèo chung giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều cũng có xu hướng giảm mạnh hơn trong tổng số tỷ lệ hộ nghèo chung.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo trước Quốc hội về đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình CTMTQG giai đoạn 2016 – 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong thực hiện các chương trình. Đó là khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền còn khá lớn; kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững, chênh lệch giàu- nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Một số văn bản quy phạm quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức và đối tượng phân bổ của từng chương trình chậm được ban hành đã dẫn đến sự lúng túng, chậm trễ trong triển khai…
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác thẩm định vốn đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn còn lúng túng và chậm so với thời gian quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Một số chính sách đặc thù đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS hiệu quả tác động chưa cao. Năng lực của bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là ở xã miền núi, vùng sâu, vùng xa đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức, triển khai thực hiện…
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Trên cơ sở chỉ rõ những yếu kém tồn tại, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho rằng, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho hai CTMTQG; mở rộng triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp cho cơ sở, tạo cho cơ sở chủ động trong quá trình lập kế hoạch, điều hành quản lý các hoạt động của các chương trình; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo ở cấp xã, huyện. Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách về nông nghiệp, nông thôn và chính sách giảm nghèo bền vững. Thực hiện nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng; các mô hình hợp tác, liên kết với giữa các hộ nghèo với doanh nghiệp…
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, Chính phủ cần làm rõ nguồn vốn phân bổ cho từng mục tiêu; tính ổn định, bền vững và thực chất của các chương trình; những vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn lực… Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, kết quả xây dựng NTM chưa thực sự đồng đều, các xã đạt tiêu chí NTM tập trung nhiều nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ. Cần chú trọng tính bền vững của Chương trình giảm nghèo khi tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cao (22,98%) so với tổng số hộ thoát nghèo; tình trạng tái nghèo đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương.
Ủy ban Tài chính Ngân sách kiến nghị, cần đặc biệt quan tâm bổ sung kinh phí cho một số nhiệm vụ cấp bách thuộc lĩnh vực giảm nghèo, y tế, giáo dục- đào tạo, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục cụ thể hóa các chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giảm nghèo bền vững, đặc biệt là tính toán khả năng nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để ưu tiên nguồn lực. Hơn nữa, cần thực hiện đúng nguyên tắc không ban hành văn bản chính sách khi không có nguồn lực bảo đảm; tăng cường khả năng tiếp cận chính sách của nông nghiệp, nông thôn, nông dân và các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…
THANH HUYỀN