Các đại biểu Quốc hội chất vấn nhiều nội dung được cử tri và Nhân dân quan tâm, đó là việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch.
Các vấn đề khác liên quan chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành Du lịch; công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) đề nghị có giải pháp căn cơ nào nhằm khắc phục tình trạng di lịch sử văn hóa bị xuống cấp nghiêm trọng trước thực tế hiện nay, tình trạng di tích bị biến dạng, “trẻ hóa” sau trùng tu, tôn tạo ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó, nhiều di tích lịch sử văn hóa không được bảo vệ, quan tâm đúng mức nên bị xuống cấp nghiêm trọng.
Về ý kiến chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết nội dung này đã được quy định rõ trong Luật Di sản văn hóa, Nghị định 166/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn; tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn hạn chế.
Theo Bộ trưởng, những năm qua, ngân sách Nhà nước hằng năm đều cấp cho mục tiêu bảo tồn, chống xuống cấp di tích nhưng còn thấp so với nhu cầu thực tế. Việc triển khai lồng ghép các chương trình ở một số địa bàn tỉnh, thành phố còn thiếu tính đồng bộ, còn tâm lý trông chờ ỷ lại nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
Đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) cho biết, hiện nay mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông giải trí phổ biến nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích xã hội mang lại cũng nảy sinh không ít những vấn đề biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa hoặc dùng mạng xã hội để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp để chấn chỉnh, giải quyết tình trạng trên?
Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng các chuẩn mực về hành vì ứng xử trên mạng xã hội, tuyên truyền về ý thức trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội, về hậu quả có thể gây ra các tin sai sự thật về việc lên mạng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng, sử dụng mạng xã hội không đúng, làm ảnh hưởng đến văn hóa xã hội.
Các đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp), Đôn Tấn Phong (đoàn An Giang) nêu câu hỏi làm sao để phát triển du lịch quốc tế vào Việt Nam một cách bền vững, những đề xuất nào của Bộ với Chính phủ để có những chỉ đạo phù hợp giúp thúc đẩy hợp tác với các nước, qua đó thúc đẩy phục hồi thị trường du lịch ở Việt Nam?
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, bước vào thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ này, bên cạnh những thuận lợi, ngành cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Về giải pháp cho ngành du lịch, Bộ trưởng cho biết, đây là ngành chịu nhiều thiệt hại do đại dịch Covid-19; sau khi mở cửa lại du lịch, tình hình có khả quan hơn. Việt Nam đang chọn du lịch nội địa làm bước đà phát triển.
Nêu việc thu hút khách quốc tế vẫn còn khó khăn, Bộ trưởng cho rằng cần có thời gian để kết nối với khách hàng truyền thống, cũng cần phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan, bảo đảm hơn về chất lượng dịch vụ du lịch, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành.
Do chính sách phòng, chống dịch bệnh ở các quốc gia khác nhau, nên việc đón khách nước ngoài còn gặp một số vướng mắc, theo Bộ trưởng, Việt Nam về cơ bản đã sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế, tuy nhiên vẫn cần khắc phục một số khó khăn mang tính tình thế.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho biết, trong đại dịch Covid-19 tình hình dịch chuyển lao động từ thành thị về nông thôn và giữa các ngành với nhau, trong đó có ngành du lịch rất lớn. Để ngành Du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và là ngành kinh tế mũi nhọn, yếu tố nguồn lực là yếu tố hàng đầu. Trước thực trạng trên, đại biểu đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có giải pháp đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động trong ngành du lịch hiện nay?
Đối với khó khăn về nguồn nhân lực trong ngành Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã và đang tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo và giảng viên; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về đạo tạo nhân lực; nâng cao kỹ năng nghề qua hoàn thiện và áp dụng các bộ tiêu chuẩn nghề thống nhất ở cấp độ quốc gia và quốc tế.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục cho kéo dài thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực này để góp phần giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua những khó khăn do đại dịch.