Ý tưởng cải tạo "dòng sông chết"
Sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Sét... nhiều năm qua luôn được coi là dòng sông "chết" với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ô nhiễm đó là do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp xả trực tiếp ra đây.
Để nhằm hồi sinh các dòng sông trên, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ Thành phố Hà Nội thông qua nguồn vốn ODA để thực hiện “dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá” với mục tiêu hồi sinh các dòng sông ô nhiễm. Ý tưởng này của Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) đã giành giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội năm 2021.
Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có quy mô xây dựng trên phạm vi khoảng 4.874ha, bao gồm Nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000m3/ngày-đêm và hệ thống cống thu gom, cống bao, hệ thống cống đấu nối dọc bờ sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần khu vực quận Hà Đông với tổng chiều dài cống các loại khoảng 52,621km, đường kính từ 315-2.200mm.
Dự án này được Thành phố Hà Nội xác định là công trình trọng điểm, vô cùng quan trọng khi thu gom xử lý nước thải sinh hoạt của người dân các quận Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và một phần huyện Thanh Trì, quận Hà Đông, góp phần làm sạch môi trường, sạch sông Tô Lịch.
Để triển khai dự án, Thành phố Hà Nội đã chia làm bốn gói thầu, bao gồm xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì) công suất 270.000 m3/ngày đêm; xây dựng hệ thống cống bao sông Lừ; xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới và xây dựng hệ thống cống bao sông Tô Lịch và cống chính.
Tìm giải pháp tổng thể
Ngày 7/7/2022, JVE Group và Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học Công nghệ (CTCS) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học tìm kiếm giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch nhằm từng bước biến Đề án thành hiện thực.
Các nhà khoa học ghi nhận ý tưởng của Đề án cải tạo sông Tô Lịch rất táo bạo, khả thi song còn cần phải bàn bạc kỹ lưỡng, kết hợp ý kiến của các chuyên gia liên ngành, bởi thực tế, sông Tô Lịch là điểm hẹn của rất nhiều các nghiên cứu nhưng đều chưa được thực hiện trọn vẹn. Nguyên nhân lớn nhất là do chưa đưa ra được phương án giải quyết những vấn đề tổng thể của cả hệ thống.
Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, từ năm 2011, Thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên bờ tuyến sông Tô Lịch, trong đó yêu cầu tạo lập phát huy vai trò của mặt nước, tạo cảnh quan hai bên bờ sông, kết nối trục không gian hai bên… Tuy nhiên, đến nay quy hoạch này vẫn chưa được thực hiện do việc xử lý nguồn nước ô nhiễm tại dòng sông này chưa được giải quyết được.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, để có thể triển khai dự án Công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh Tô Lịch, cần kế thừa những điểm mạnh, điểm yếu của các công trình trước đó để rút ra kinh nghiệm và thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu.
Ông cho rằng ý tưởng xây đường cao tốc ngầm và hầm chống ngập dọc sông Tô Lịch chưa nên bàn vội mà phải xác định mục tiêu và nguồn vốn cụ thể. Ngoài ra, lãnh đạo Thành phố phải tính đến việc kết nối sông Tô Lịch với các sông hồ khác để tăng khả năng thoát nước, giải quyết vấn đề úng ngập.
Về các thiết chế văn hóa trong công viên, ông Nghiêm cho rằng cần lấy ý kiến nhiều chuyên gia văn hóa, lịch sử, dân tộc học để xây dựng các hạng mục đảm bảo thẩm mỹ.
“Trước đây, để dựng tượng đài Vua Lý Thái Tổ bên Hồ Hoàn Kiếm, chúng tôi đã lấy ý kiến rất nhiều chuyên gia, bàn bạc trong nhiều năm mới thống nhất được. Nay, dự án có tham vọng đặt một loạt tượng danh nhân văn hóa các triều đại thì phải nghiên cứu rất kỹ,” ông nói.
Đồng tình với ý kiến đó, Tiến sỹ Mai Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc cho rằng, tiêu chí tuyển chọn các biểu tượng văn hóa cần được chọn lọc, cân nhắc kỹ lưỡng. Cần thành lập hội đồng bao gồm các cơ quan có thẩm quyền, các chuyên gia, nhà khoa học để chọn lọc những danh nhân văn hóa thật tiêu biểu của mỗi thời đại.
Đóng góp thêm cho dự án, ông Hải quan tâm cụm công trình cung cấp năng lượng điện cho các hoạt động văn hóa-nghệ thuật sinh hoạt dân sinh ở dọc hai bên bờ sông. “Sông Tô Lịch sau khi cải tạo cả không gian trên mặt đất và hệ thống cao tốc ngầm đều cần phải có nguồn điện năng cung cấp liên tục 24/24h. Nguồn điện đó lấy từ đâu trong khi nguồn điện lưới quốc gia còn thiếu hụt. Do vậy, giải pháp duy nhất là xây dựng hệ thống điện năng lượng Mặt trời,” ông Hải nói.