Tại An Giang, hiện có 2.144 người cách ly tập trung, trong đó phần lớn là người Việt Nam (người có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam) nhưng đi làm ăn, buôn bán ở Campuchia nhập cảnh về Việt Nam qua các cửa khẩu của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh An cũng đang thực hiện cách ly, theo dõi y tế tại nhà đối với 727 người, hiện tất cả sức khỏe đều tốt.
Ông Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết: “Ban chỉ đạo phòng, chống dịch trên địa bàn đã thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương, thực hiện cách ly y tế tập trung và theo dõi trong vòng 14 ngày đối với tất cả những người từ Campuchia trở về Việt Nam qua các cửa khẩu của tỉnh. Còn đối với những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh sẽ được đưa vào khu cách ly y tế tập trung và các cơ sở y tế để theo dõi, điều trị kịp thời”.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch tỉnh An Giang cho biết: Với phong tục đồng bào Khmer đón Tết là tập trung vào chùa làm lễ cúng phật. Do đó, các địa phương phối hợp với các sư trụ trì, Người có uy tín tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến cáo bà con không tổ chức ăn Tết rình rang, không tập trung đông người tại các chùa, thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh dịch Covid-19. Bộ đội Biên Phòng, Hải quan, Công an phối hợp kiểm soát chặt tuyến biên giới, không để trường hợp nào qua lại biên giới, nhất là các đường bộ nhỏ, len lỏi trong phum sóc.
Còn tại Kiên Giang, lãnh đạo tỉnh cũng đang chỉ đạo quyết liệt chuẩn bị kế hoạch tiếp nhận toàn bộ người Việt Nam về nướcqua hai cửa khẩu Hà Tiên, Giang Thành và cảng Hòn Chông huyện Kiên Lương. Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng khẩn trương chuẩn bị phương án tiếp nhận Việt kiều về nước theo phương án khẩn cấp về quốc phòng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng nhận định: Đây là thời điểm Kiên Giang phải tiếp nhận công dân Việt Nam và Việt kiều Campuchia về nước, do đó, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là việc kiểm soát đường bộ, đường biển trên tuyến biên giới.
“Trước tình hình trên, tôi yêu cầu các địa phương nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc kiểm soát phòng, chống dịch bệnh, nghiêm túc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Quan trọng nhất hiện nay là kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, không để bất kỳ trường hợp nào qua biên giới Việt Nam mà không kiểm soát được, đặc biệt là tuyến đường bộ và tuyến đường biển dọc biên giới của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng khẳng định.
Theo kế hoạch của tỉnh Kiên Giang thì các sở, ngành và các địa phương đang khẩn trương chuẩn bị kế hoạch tiếp nhận công dân Việt Nam, Việt kiều về nước lánh dịch. Thành phố Hà Tiên chủ động đảm bảo cho 1.000 người cách ly, huyện Giang Thành, Kiên Lương mỗi huyện chuẩn bị sẵn sàng cho 500 người cách ly.
Còn tại Cần Thơ, để chủ động ứng phó với các tình huống, từ 16 giờ đến 17 giờ ngày 24/03/2020, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã tổ chức diễn tập phòng chống Covid-19 theo quy trình chống dịch của Bộ Y tế.
Diễn tập bao gồm thực hành quy trình tiếp nhận bệnh nhân nhiễm và nghi ngờ nhiễm được xây dựng với các kịch bản có thể xảy ra như: tiếp nhận bệnh nhân từ nhà (trong nội ô quận Ninh Kiều), tiếp nhận bệnh nhân qua điện thoại, tiếp nhận bệnh nhân khi đến khám bệnh tại bệnh viện, phân luồng bệnh nhân đến khoa Bệnh Nhiệt đới… Thông qua diễn tập thực tế để đánh giá nguồn lực cũng như hoàn thiện qui trình trong công tác xử trí của nhân viên y tế, từ đó tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án, kế hoạch, quy trình phòng chống dịch Covid - 19.
Tính đến 20h - 24/3, các đơn vị trong Quân khu 9 tiếp nhận cách ly 2.235 công dân từ các quốc gia có vùng dịch về địa bàn. Riêng 3 tỉnh biên giới (Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang), từ ngày 18 – 24/3 đã tiếp nhận 1.783 người dân Việt Nam từ Camphuchia về nước (Đồng Tháp: 181 người, An Giang 1.269 người, Kiên Giang 333 người) và đã đưa vào các khu cách ly theo quy định.