Những giọt máu hồng
Ông Trần Rê (sinh năm 1965, ở làng Quảng Đại 2,) là “mạnh thường quân” tham gia hiến máu tình nguyện của xã Đại Cường. Ông Trần Rê nhớ lại kỷ niệm lần đầu tiên tham gia hiến máu cứu người, đó là một ngày giữa năm 1989, đang làm thuê ở TP. Hồ Chí Minh thì người cùng làm bị tai nạn phải đưa đến bệnh viện cấp cứu. Lúc đó, có một bệnh nhân cần nhóm máu hiếm AB gấp mà bệnh viện đang thiếu. Tò mò đến xem rồi thử, biết mình đủ điều kiện hiến máu cứu bệnh nhân kia nên ông Rê hiến luôn 250ml máu.
Có kinh nghiệm và tìm hiểu kỹ về việc hiến máu cứu người, ông Trần Rê vận động vợ con, người thân và bà con trong thôn xóm tham gia hiến máu. Năm 2007, khi Hội Chữ thập đỏ xã Đại Cường phát động phong trào hiến máu tình nguyện tại các thôn trong xã, ông Trần Rê cùng vợ và 3 người con đăng ký hiến máu đầu tiên. Lần ấy, ông hiến 350ml, vợ và các con ông mỗi người hiến 250ml máu. Tất cả thành viên trong gia đình ông đều cùng nhóm máu AB.
Từ năm 2007 đến nay, gia đình ông Trần Rê trở thành “ngân hàng” máu sống, tích cực tham gia câu lạc bộ hiến máu tình nguyện của thôn, xã. Ông Trần Rê không nhớ rõ chính xác bao nhiêu lần hiến máu tình nguyện, nhưng ít nhất cũng trên 20 lần; vợ ông hiến máu 11 lần, các con ông mỗi người hiến 10 lần. Ông Trần Rê chia sẻ: “Vợ chồng và các con tôi xác định mục đích của hiến máu là cứu người. Mỗi dịp hiến máu là mỗi lần được kiểm tra sức khỏe cho cả gia đình, cũng là nguồn dự trữ để nhận được máu khi cần thiết. Hiến máu cứu người là cao cả, nhưng để dự trữ máu cứu mình cũng rất quan trọng. Ai đủ điều kiện đều có thể hiến máu tình nguyện”.
Cả xã là một “ngân hàng máu”
Xã Đại Cường có 2.300 hộ dân, gần như năm nào cũng hiến hơn 200 đơn vị máu, hầu như mỗi hộ ở đây đều có người từng đi cho máu. Tại 7/9 thôn của xã đã có câu lạc bộ hiến máu tình nguyện. Các thôn Quảng Đại 2, Trang Điền, Thanh Vân, Gia Bắc, Ô Gia Nam…, đều có hơn 40 tình nguyện viên là nông dân đăng ký hiến cứu người. Nhiều gia đình trở thành “ngân hàng máu” như gia đình ông Trần Rê. Đó là vợ chồng anh Lê Văn Cẩn (sinh năm 1966) và chị Đỗ Thị Hoàng Diệp (sinh năm 1973, ở thôn Trang Điền) cùng nhóm máu hiếm AB, mỗi người tham gia hiến máu 10 lần; chị Nguyễn Thị Tưởng (SN 19712, thôn Thanh Vân) đã tham gia hiến máu 11 lần, hai người con của chị cũng đã 10 lần đi hiến máu. “Ban đầu, tôi tham gia vì nghĩ mình là đảng viên, nên làm gương cho chị em trong Hội Phụ nữ. Lần đầu tiên tham gia hiến máu, về nhà cũng thấy lo lo, phải nhờ bác sĩ tư vấn. Về sau thấy khỏe hơn, cảm giác như mình có dịp để thay máu trong người. Chị em thấy tôi đi hiến máu nhiều lần, cũng mạnh dạn đi theo”, chị Tưởng chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Tám, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ xã Đại Cường, ngày đầu phát động phong trào và vận động bà con hiến máu tình nguyện gặp rất nhiều khó khăn. Có người sợ cho máu đi thì cơ thể bị suy yếu, không đi làm được; người thì sợ kim tiêm lây nhiễm bệnh. Thế là các cán bộ hội, đoàn thể trong xã tự nguyện hiến máu trước để bà con làm theo. Vừa được tuyên truyền vận động về những lợi ích của việc hiến máu cứu người, vừa chứng kiến những người tự nguyện hiến máu vẫn khỏe mạnh, thậm chí tăng cân nên ngày càng có nhiều người dân tình nguyện hiến máu. Đến nay, hầu hết người dân các thôn trong xã xem việc hiến máu như là dịp kiểm tra sức khỏe cho cả nhà.
Bác sĩ Nguyễn Đức Hối, Trưởng khoa Xét nghiệm-Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cho biết, Bệnh viện hiện có danh sách của hơn 200 người dân của xã Đại Cường với đủ nhóm máu, bất kể khi nào có bệnh nhân cần máu khẩn cấp, chỉ cần nhấc máy điện thoại thì họ đến kịp thời để sẵn sàng hiến máu cứu người.
Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại, người dân Đại Cường (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã, đang và sẽ dành máu-quà tặng của cuộc sống để cứu người. Hiến máu tình nguyện là trách nhiệm với cộng đồng, là niềm vui của cuộc sống, là việc làm cao cả, rất nhân văn!
Xã Đại Cường có 2.300 hộ dân, gần như năm nào cũng hiến hơn 200 đơn vị máu, hầu như mỗi hộ ở đây đều có người từng đi cho máu. Tại 7/9 thôn của xã đã có câu lạc bộ hiến máu tình nguyện.
LÊ PHƯỚC LAN NHI