Minh chứng ở các xã dọc theo tuyến đê biển Đông và Tây của tỉnh, được xem là nơi phải chịu ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu (BĐKH), sinh kế của người dân chủ yếu dựa vào nuôi trồng và khai thác thuỷ sản. Nơi đây, có diện tích đất rừng ngập mặn lớn nhất cả nước, là lợi thế mà không nơi nào có được trong việc xây dựng các mô hình tôm- rừng.
Ưu điểm của mô hình tôm-rừng là vốn đầu tư thấp, có thể nuôi xen cua, cá, sò huyết để tăng thu nhập. Mô hình phát triển bền vững vừa gắn với bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển, phòng chống sạt lở do ảnh hưởng của BĐKH. Hiện tại đã có 19.000ha sản xuất theo mô hình tôm-rừng được các tổ chức quốc tế chứng nhận.
Bên cạnh đó, mô hình nuôi tôm sú-lúa theo phương pháp hữu cơ cũng đang được nông dân triển khai từ tháng 3/2018, tại ấp 11, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, trên diện tích 20 ha với 16 hộ dân tham gia. Tham gia mô hình, mỗi hộ được hỗ trợ 40 ngàn con tôm sú giống/ha, 15kg lúa giống F1, phân bón, các chế phẩm sinh học. Đồng thời, được hướng dẫn quy trình kỹ thuật từ khâu cải tạo cho đến khi thu hoạch, với tổng kinh phí hơn 115 triệu đồng.
Theo tính toán của ông Lê Văn Nghiêm, một trong những hộ tham gia mô hình với diện tích 1,2ha, năm nay lúa-tôm đều tăng năng suất hơn nhiều so với năm trước. Nếu như năm trước lúa 20 giạ, thì nay đã lên hơn 40 giạ/công, còn tôm, đầu mùa tới giờ thu được hơn 150 triệu đồng, cao hơn từ 50-60 triệu đồng so với năm trước.
Với mô hình tôm-lúa hữu cơ không chỉ giúp người dân tăng năng suất trên cùng một diện tích mà còn góp phần tích cực bảo vệ môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân do chỉ dùng các chế phẩm sinh học. Chính từ hiệu quả bước đầu của mô hình nên sau khi mô hình tại ấp 11 kết thúc, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II đã tiếp tục triển khai nhân rộng cho người dân ở ấp 9 và ấp 10, xã Khánh Thuận.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của tỉnh Cà Mau cũng đang được phát triển mạnh, với diện tích trên 2.000ha, gần 1.950 hộ thực hiện, tập trung nhiều tại các huyện: Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân và một phần của huyện Năm Căn, Ngọc Hiển.
Với mô hình này, đưa ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc vào nuôi tôm siêu thâm canh đã góp phần giải bài toán về môi trường trong nuôi tôm công nghiệp. Chất thải trong ao nuôi được xử lý ngay tại ao, thông qua việc sử dụng vi sinh hằng ngày, tạo hệ vi khuẩn dinh dưỡng lớn để lấn át vi khuẩn có hại nên giúp kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt, lượng nước thay hằng ngày giảm chỉ còn tối đa 25% so với gần 60% của các loại hình nuôi tôm truyền thống, nước thải được xử lý và có ao chứa thải...
Đánh giá về công nghệ semi-biofloc, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Công nghệ này, giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tiếp cận với công nghệ mới, nâng cao trình độ kỹ thuật trong quá trình sản xuất vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
SONG VY