Vì mưu sinh…
Nhiều câu hỏi được đặt ra cho các cấp chính quyền địa phương: tại sao chỉ chú trọng tạo điều kiện để người dân đi làm ăn xa được dễ dàng nhất, mà không tập trung tìm giải pháp để họ có thể bám đất giữ làng? Lao động chính phải bỏ quê làm ăn xa, tỉnh nhà sẽ phát triển như thế nào. Nhìn rộng ra, các tỉnh tiếp nhận lao động tìm việc làm cũng đang phải oằn mình gánh chịu áp lực dân số cơ học, áp lực lên dân sinh xã hội.
Còn với người lao động, có thể được nhận từ 6 -7 triệu đồng/tháng tiền lương, nhưng liệu có thể kéo dài mãi tình cảnh chen chúc trong những khu nhà trọ, thiếu thốn đủ thứ, chi phí đều đắt đỏ. Đến khi qua tuổi lao động rồi còn gì?. Rồi những đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh như vậy, các em sẽ đi về đâu?
Thực tế này cũng đang làm cho nhiều chi bộ đảng gặp khó trong việc phát triển nguồn đảng viên mới. Năm 2019, Đảng uỷ xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn (Cà Mau) kết nạp được 6 đảng viên, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Tuy nhiên, chỉ đạt 75% chỉ tiêu Huyện uỷ Năm Căn giao, với 6/8 đảng viên mới được kết nạp.
Đây không phải lần đầu Đảng ủy xã không đạt chỉ tiêu huyện giao và cũng không phải là đơn vị duy nhất. Bí thư Chi bộ ấp 1, xã Hàng Vịnh, Nguyễn Văn Thạch cho biết, ấp là trung tâm kinh tế - văn hoá của xã, tập trung đông dân cư sinh sống, tổng số 572 hộ, với 2.071 khẩu. Năm 2019, Đảng uỷ xã Hàng Vịnh giao cho chi bộ kết nạp 1 đảng viên, tuy nhiên, ấp vẫn không hoàn thành chỉ tiêu này.
Giải pháp giữ chân lao động
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Văn Thạch, Bí thư Chi bộ ấp 4, xã Hàng Vịnh, Nguyễn Thành Nhân cho rằng, công tác tập hợp thanh niên đang gặp nhiều khó khăn, nguyên do là, các địa phương chưa có mô hình nổi bật để thu hút, tập hợp thanh niên phát triển kinh tế hay ít nhất là nhiệt tình tham gia sinh hoạt.
Theo Chị Phan Thị Trang Phượng, Bí thư Huyện đoàn Năm Căn, thời gian qua địa phương cũng đã nỗ lực tìm các giải pháp giữ chân lớp trẻ như, hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình kinh tế trong thanh niên, tuy nhiên nguồn vốn để hỗ trợ các mô hình này tiếp tục phát triển nhân rộng lại rất hạn chế. Mặc dù vấn đề đào tạo việc làm hằng năm đều đạt và vượt. Tuy nhiên, đào tạo ở đây không có cơ sở để làm, vì vậy thanh niên phải đi các khu công nghiệp có những ngành nghề phù hợp để làm việc kiếm thu nhập.
“Nếu ở địa phương, huyện hoặc tỉnh có khu công nghiệp thì tin rằng, lực lượng này sẽ ở lại cống hiến, làm việc, đỡ tốn kém chi phí”, chị Phan Thị Trang Phượng chia sẻ
Để giảm bớt áp lực, hạn chế thanh niên rời địa phương, chị Phượng cho biết, giải pháp thời gian tới là sẽ tiếp tục thực hiện tốt chủ trương 1+1, tức là 1 đoàn viên ở địa phương phải giới thiệu 1 thanh niên ưu tú vào tổ chức Đoàn để tạo nguồn phát triển đảng. Yêu cầu cán bộ Đoàn ít nhất mỗi năm phải đi cơ sở 2 lần để nắm tình hình thực tế, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên.
Tuy nhiên, đây vẫn là giải pháp mang tính cấp bách, còn về lâu dài muốn giữ chân thanh niên cần khơi dậy ý chí phấn đấu, tự giác rèn luyện của thanh niên không sợ khó, sợ khổ xây dựng cuộc sống. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, tổ chức cần tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng các mô hình kinh tế…