Tham dự sự kiện có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái. Tham dự có đồng chí Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh lân cận.
Sự kiện được tổ chức nhằm mục đích tôn vinh, quảng bá sâu rộng sự kiện 02 di sản văn hóa phi vật thể là “Nghệ thuật Khèn” và “Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải” của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Mông ba huyện nói riêng, của Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói chung; góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam; cũng như giới thiệu, quảng bá tới du khách trong nước và quốc tế về hình ảnh vùng đất và con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập".
Phát biểu Khai mạc, ông Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Yên Bái - nơi cửa ngõ vùng Tây Bắc thiêng liêng của Tổ quốc, tự hào là địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp kết hợp với truyền thống văn hóa lâu đời đã tạo nên vẻ đẹp và sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, trở thành những nét đặc trưng, bản sắc riêng có của đất và người nơi đây.
Yên Bái sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa phong phú với những giá trị bản sắc của trên 30 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm hơn 11% dân số toàn tỉnh, sinh sống tại các địa phương trong tỉnh và tập trung đông nhất tại các huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn.
Tỉnh Yên Bái hiện có 3/7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - là các di sản văn hóa phi vật thể được khởi nguồn, sinh ra từ cuộc sống, lao động, sản xuất; được sáng tạo, bồi tụ trong quá trình lịch sử hình thành cộng đồng, gắn liền với đời sống, sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Mông từ ngàn đời nay. Trong đó, “Nghệ thuật khèn” và “Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải” của đồng bào dân tộc Mông là những di sản mang đậm sắc thái văn hóa; thể hiện sự sáng tạo, trình độ nghệ thuật cũng như bản lĩnh, cốt cách, văn hóa ứng xử của người Mông trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên.
Những sắc thái văn hóa độc đáo được thể hiện trong “Nghệ thuật khèn” và “Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải” đã và đang được đồng bào dân tộc dân tộc Mông ở Yên Bái giữ gìn với niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương, xứ sở để tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.
“Lễ công bố Quyết định và đón nhận Chứng nhận 02 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hôm nay là dịp để tôn vinh giá trị văn hóa của di sản, cũng như tri ân những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng, của các nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản; đồng thời thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong cộng đồng, để di sản tiếp tục được lan tỏa hôm nay và mai sau, “biến di sản thành tài sản” phục vụ quá trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh”, ông Trần Huy Tuấn chia sẻ.
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho 02 di sản là “Nghệ thuật khèn” và “Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải” của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Trong khuôn khổ Lễ công bố Quyết định và đón nhận Chứng nhận 02 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Khai mạc Festival Khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ dày năm 2023 có nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc, mang đậm sắc màu văn hóa của các địa phương vùng du lịch phía Tây tỉnh Yên Bái. Du khách sẽ có trải nghiệm thú vị, ấn tượng sâu sắc, khó quên về Yên Bái - vùng đất thiên nhiên tươi đẹp, nơi hội tụ sắc màu văn hóa, hứa hẹn là một điểm dừng chân lý tưởng trên cung đường khám phá miền Tây Bắc, với những con người thân thiện, nhân ái, mến khách.
Đến với hoạt động này, các đại biểu, du khách và bà con Nhân dân được lắng đọng cảm xúc qua thanh âm của những điệu khèn, cùng khám phá những nét hoa văn tinh tế ẩn chứa bao câu chuyện kể về thế giới quan, chứa đựng ý nghĩa nhân sinh sâu sắc của con người nơi vùng sơn cước đầy sống động; cùng thưởng lãm và đắm chìm trong sắc thắm của những thảm hoa Tớ dày trải dài trên những sườn núi... để cùng cảm nhận trọn vẹn những khoảnh khắc tuyệt đẹp của đất trời Tây Bắc đang bước vào Xuân.
Âm thanh của tiếng khèn vang vọng khắp bản làng, đã gắn bó và đồng hành cùng với đời sống của người Mông từ ngàn đời nay. Giữa đại ngàn Tây Bắc, tiếng khèn là những thanh âm từ sâu thẳm tâm hồn, trái tim của người Mông; là những sắc thái tình cảm, tâm tư cuộc sống, sự thăng hoa tâm hồn, tinh thần lạc quan, yêu đời; là sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại và sẽ còn vang mãi đến ngàn sau...
Qua thời gian, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, người Mông đã biết đến nhiều loại nhạc cụ hiện đại, nhưng Khèn Mông vẫn mãi là nhạc cụ truyền thống không thể thiếu với giá trị bản sắc vững bền trong đời sống văn hoá của đồng bào Mông.
Nghệ thuật Khèn Mông vinh dự, tự hào và chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trong niềm tự hào ấy, Nghệ thuật Khèn Mông chắc chắn sẽ tiếp tục được giữ gìn, trao truyền cho thế hệ trẻ.