Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung – thành viên Chính phủ chủ trì cuộc làm việc
Cuộc làm việc được thực hiện theo Quyết định số 387/QĐ-TTg ngày 24/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn; Công điện số 14/CĐ-TTg ngày 11/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức đoàn công tác của các Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xuất nhập khẩu, các chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng năm 2025. Cuộc làm việc được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Trụ sở Bộ Dân tộc và Tôn giáo đến các địa phương: Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An.
Tham dự cuộc làm việc có Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Vinh Tơr; Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung; Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Trương Quốc Huy; đại diện các bộ, ngành; lãnh đạo UBND và các sở, ngành địa phương.
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An trong sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xuất nhập khẩu, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua...Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của các địa phương trong bức tranh chung, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng của đất nước
Tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế -xã hội
Theo báo cáo của tỉnh Nghệ An, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là nỗ lực của các cấp, các ngành, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong quý I của tỉnh Nghệ An đạt được nhiều kết quả khá tích cực.
Tốc độ tăng trưởng GRDP quý I ước đạt 8,0%, xếp thứ 27 cả nước, thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 10,74%. Thu ngân sách nhà nước thực hiện 6.311 tỷ đồng. Tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 10 dự án, điều chỉnh 38 lượt dự án với tổng vốn đầu tư 6.719 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3, tỷ lệ giải ngân của tỉnh ước đạt 17,18%, xếp thứ 14/63 địa phương và cao hơn so với mức bình quân cả nước (9,53%). Các công trình, dự án trọng điểm liên vùng trên địa bàn tỉnh cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra. Trên địa bàn tỉnh có 5 dự án nhà ở xã hội độc lập, 36 dự án nhà ở xã hội trong quỹ 20% của các dự án thương mại và 6 dự án nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp. Dự kiến sau khi hoàn thành sẽ cung ứng khoảng 35.000 căn hộ, đến nay có 3 dự án với 1.756 căn hộ đã hoàn thành.
Đối với tỉnh Thanh Hóa, năm 2025, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực; cùng với sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh quý I năm 2025 của tỉnh tiếp tục có chuyển biến tích cực và đạt kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Hoạt động đầu tư công được triển khai thực hiện quyết liệt.
Đến ngày 25/3/2025, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 của cả tỉnh đạt 2.401,2 tỷ đồng, bằng 16,9% kế hoạch. Tình hình thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, với tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước thực hiện 03 Chương trình năm 2025 trên địa bàn tỉnh là 1.038,4 tỷ đồng. Tính đến ngày 28/02/2025, giá trị giải ngân vốn của 03 Chương trình đạt 230,5 tỷ đồng, bằng 22,2% kế hoạch vốn. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân ổn định.
Về phát triển nhà ở xã hội, đến nay, tỉnh đã thực hiện hoàn thành 1.817 căn hộ. Về xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 09/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước, tính đến ngày 25/03/2025, tỉnh có tổng kinh phí ủng hộ tiếp nhận về Ủy ban MTTQ Việt Nam cả 03 cấp là 523,684 tỷ đồng; toàn tỉnh đã hỗ trợ khởi công xây dựng và sửa chữa nhà ở là 6.089 hộ/căn (xây mới 4.691 hộ/căn; sửa chữa 1.398 hộ/căn).
Đối với tỉnh Hà Nam, quý I/2025, tình hình kinh tế - xã hội của Hà Nam duy trì ổn định và có bước phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 10,54%. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng khá; thu hút đầu tư tăng; các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch đạt kết quả tích cực. Chú trọng phát triển đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Về tình hình thực hiện phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát. Theo kết quả rà soát nhu cầu hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát của các huyện, thị xã, thành phố, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 282 hộ nghèo, cận nghèo được phê duyệt, trong đó có 182 hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu xây mới và 100 hộ có nhu cầu sửa chữa; có 338 hộ người có công và thân nhân liệt sỹ có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tính đến ngày 28 tháng 3 năm 2025, đã có 136 hộ thực hiện khởi công xây mới và sửa chữa nhà. Công tác an sinh xã hội, triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Quan tâm đầu tư hạ tầng nông thôn, từng bước đáp ứng tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị.
Cuộc làm việc được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Trụ sở Bộ Dân tộc và Tôn giáo đến các địa phương: Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An.
Chính phủ đã luôn quan tâm, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn đối với các địa phương
Tại cuộc làm việc, nhiều nội dung còn khó khăn, vướng mắc của các địa phương liên quan đến sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xuất nhập khẩu, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua đã được kiến nghị và đề xuất giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Các bộ, ngành cũng đã giải đáp những vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung cảm ơn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung - thành viên Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức cuộc họp rất ý nghĩa, sáng tạo, để đôn đốc công việc, cùng với địa phương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung cũng cảm ơn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong suốt thời gian qua đã luôn quan tâm, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đối với các địa phương với vai trò là thành viên Chính phủ mà Bộ trưởng được Thủ tướng Chính phủ phân công phụ trách cũng như những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền với vai trò là Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (trước đây). Tỉnh Nghệ An luôn được Trung ương quan tâm, tạo điều kiện với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù; những điểm nghẽn về thể chế cơ bản được tháo gỡ theo tinh thần phân cấp mạnh mẽ cho địa phương.
Chia sẻ khó khăn của tỉnh, khi cùng một lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ, vừa nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng, vừa trong thời điểm sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhất là địa bàn vùng xa xôi, vùng đồng bào DTTS… Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát và chủ động tháo gỡ khó khăn, có giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới; mong muốn Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung và các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Nghệ An phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng, nâng cao đời sống cho Nhân dân.
Quang cảnh cuộc làm việc tại điểm cầu Trụ sở Bộ Dân tộc và Tôn giáo
Nhiệm vụ quan trọng nhất của các địa phương là đạt mục tiêu tăng trưởng gắn với phát triển bền vững
Kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An trong sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xuất nhập khẩu, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua... Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của các địa phương trong bức tranh chung, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng của đất nước.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đây là những địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, lãnh đạo tỉnh dành sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện các Chương trình, dự án, phong trào thi đua trên địa bàn, với những kết quả rất rõ nét, đặc biệt là tăng trưởng, thu ngân sách, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát…Đồng thời, các tỉnh cũng đã rất quan tâm đến công tác phối hợp trong nội bộ, đảm bảo vai trò lãnh đạo của cấp ủy; tăng cường phối hợp với bộ, ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn…
Chia sẻ những khó khăn của các tỉnh từ nội tại đến khó khăn, thách thức từ bên ngoài, trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết để đạt mục tiêu tăng trưởng; đời sống bộ phận Nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; an ninh, trật tự còn tiềm ẩn nhiều yếu tố cần quan tâm…, thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, phải thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, ổn định kinh tế của địa phương, đảm bảo các cân đối lớn trên địa bàn. Tập trung cao cho giải ngân vốn đầu tư công. Gắn với đó là quan tâm đánh giá, rà soát, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị 3 địa phương phải lưu tâm đến phát triển hạ tầng, tập trung triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đối với tỉnh Hà Nam, cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An cần đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực người DTTS, đẩy mạnh giải quyết việc làm tại chỗ.
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cũng đề nghị 2 tỉnh: Thanh Hoá và Nghệ An sớm chỉ đạo xây dựng đề án kiên cố hoá trường lớp và xây dựng tất cả các trường ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; dành những chính sách đặc biệt, riêng cho lĩnh vực cho y tế để chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân.
Nhấn mạnh chủ trương xoá nhà tạm, nhà dột nát là cuộc cách mạng lớn với mục tiêu rất nhân văn là đảm bảo cho người dân được “an cư”, vì nếu không “an cư” thì làm sao “lạc nghiệp” và đây là đòn bẩy để thoát nghèo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tỉnh Hà Nam nỗ lực, cố gắng hơn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chương trình. Hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá cần tiếp tục phát huy những cách làm hay, sáng tạo, tập trung mọi nguồn lực sớm về đích Chương trình.
Về những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các bộ, ngành quan tâm giải quyết theo thẩm quyền, đặc biệt phải sớm trả lời đề xuất, kiến nghị của các địa phương với tinh thần "cầm tay chỉ việc", không trả lời chung chung. Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, nếu có khó khăn, vướng mắc, các địa phương phối hợp chặt chẽ, báo cáo Trung ương, để kịp thời giải quyết, đảm bảo mọi nhiệm vụ được thông suốt, đạt hiệu quả cao.