Tại Hội nghị, bà Chu Thị Hạnh - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐTB&XH đã trình bày Dự thảo “Báo cáo kết quả tổ chức Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024” của Ban Chỉ đạo Tháng hành động Trung ương gửi Thủ tướng Chính phủ.
Theo Dự thảo báo cáo, Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ được tổ chức phối hợp với Lễ phát động Tháng Công nhân năm 2024 đã tạo được hiệu ứng truyền thông, sức lan tỏa mạnh mẽ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động từ Trung ương đến cơ sở. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp tại các địa phương, ngành trong việc quan tâm chăm lo tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, kịp thời động viên, hỗ trợ và tôn vinh người lao động vào dịp tháng 5 hằng năm.
Việc tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động ATVSLĐ đã góp phần tăng cường sự hợp tác giữa ngành LĐTB&XH và tổ chức công đoàn, tạo hiệu ứng lan tỏa đến 100% địa phương, ngành, công đoàn và chuyên môn phối hợp chặt chẽ tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ có quy mô và sáng tạo hơn; thực sự đi vào chiều sâu và hiệu quả... Nhiều hoạt động thiết thực nhằm giảm căng thẳng, giảm xung đột tại nơi làm việc đã được bộ, ngành, doanh nghiệp thực hiện, hưởng ứng tích cực...
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường trong, trước và sau Tháng hành động; công tác tự kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa các nguy cơ và yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp đã được tăng cường hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các nội dung hoạt động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ trong các làng nghề, khu vực không có quan hệ lao động đã được quan tâm hơn, song còn nhiều hạn chế, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ, tích cực. Nhận thức về công tác ATVSLĐ của người lao động ở một số nơi, như: Vùng sâu, vùng xa, biển đảo... chưa cao nên việc tổ chức các hoạt động còn mang tính hình thức, thụ động. Tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 6 tháng đầu năm có xu hướng giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp...
Phát huy kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương đã xây dựng Kế hoạch cụ thể việc Tổ chức các hoạt động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2025 có trọng tâm, đổi mới, thiết thực, hiệu quả. Qua đó, tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; tổ chức tổng kết Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ; chỉ đạo Quỹ Tấm lòng vàng tăng cường hỗ trợ, bố trí kinh phí cho các hoạt động động viên, thăm hỏi nạn nhân, các gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp gặp hoàn cảnh khó khăn.
Các địa phương căn cứ vào điều kiện, tình hình kinh tế, xã hội chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2025 phù hợp, hiệu quả; bố trí kinh phí tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSĐ phù hợp, thiết thực với điều kiện của từng địa phương.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể về Kế hoạch tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2025.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh, cho biết, Ban Chỉ đạo ghi nhận những đóng góp của bộ, ban, ngành, để hoàn thiện báo cáo trình lên Thủ tướng Chính phủ. Thời gian diễn ra Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2025 sẽ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lên kế hoạch thời gian, địa điểm phù hợp.