Sáng 23/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch hiện nay.
Toàn hệ thống trong tình trạng trực chiến cao nhất
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết từ ngày 27/5 đến nay tỉnh ghi nhận 164 ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, chủ yếu liên quan đến các ổ dịch ở TP.HCM, với biến thể Delta phát hiện tại Ấn Độ. Dịch đã xuất hiện trong một số doanh nghiệp (DN), nhà máy, khu công nghiệp (KCN), lây lan sang nhà trọ và vào các nhà máy khác.
Bình Dương đang tập trung xử lý hai chuỗi lây nhiễm lớn, phức tạp, một tại phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên) với 20 ca và Công ty Việt Nam House Wares (phường Bình Chuẩn, TP. Thuận An) với 86 ca vì đến nay chưa xác định được nguồn lây.
Ngay khi TP.HCM xuất hiện ca nhiễm đầu tiên, Bình Dương đã cấp sinh phẩm xét nghiệm nhanh cho các cơ sở y tế, bệnh viện để sàng lọc, phát hiện nhiều F0, từ đó tiến hành truy vết được khoảng 3.000 F1, 8.000 F2. Đồng thời tỉnh đã tiến hành sàng lọc trong cộng đồng khoảng 20.000 mẫu.
Hiện nay năng lực xét nghiệm của Bình Dương khoảng 5.000-8.000 mẫu đơn/ngày, tương đương 50.000-80.000 mẫu gộp 10 mẫu đơn; đang cách ly tập trung hơn 3.000 người và có phương án tăng năng lực cách ly từ 10.000 người lên 30.000 người.
Bình Dương có 29 KCN, trên 1,2 triệu lao động, trong đó 500.000 người làm việc trong KCN. Nhiều nhà máy, DN của Bình Dương nằm đan xen trong khu dân cư nên lây nhiễm rất phức tạp. Tỉnh đã liên hệ để sớm đưa vào sử dụng phần mềm quản lý công nhân trong KCN (đã triển khai tại Bắc Giang), lập 100 tổ kiểm tra công tác phòng chống dịch tại nhà máy, KCN.
Nhận định về tình hình dịch, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, là địa phương sát với TPHCM, ranh giới đan xen, số lượng ổ dịch tiếp xúc với TP. HCM rất lớn, hầu như mỗi ngày đều phát hiện F0 mới có liên quan. Ý thức người dân có phần lơ là chủ quan. Nhiều trường hợp F0, F1 khai báo quanh co, không trung thực. Bình Dương rất lo ngại những F0 còn đang ở ngoài cộng đồng nếu không được phát hiện nhanh để lây lan vào KCN thì sẽ bùng phát rất nhanh. Vì vậy, toàn hệ thống chống dịch của Bình Dương đang đặt trong tình trạng trực chiến cao nhất.
Khẩn trương tăng cường năng lực lấy mẫu, xét nghiệm
Sau khi kiểm tra một số cơ sở cách ly, khu vực phong toả, khu nhà trọ công nhân, sáng 23/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận xét nguy cơ lây nhiễm giữa KCN, các nhà máy, DN và khu dân cư xen kẽ là rất lớn. Một số điểm thực hiện giãn cách xã hội, phong toả theo các mức độ nguy cơ chưa thực hiện nghiêm.
Công suất lấy mẫu, xét nghiệm, cách ly, điều trị của Bình Dương cần được tăng cường mới có thể đáp ứng được yêu cầu nếu dịch diễn biến căng thẳng hơn.
Cụ thể, Bình Dương phải tăng cường lực lượng lấy mẫu, tối thiểu 250 đội; tăng cường công suất xét nghiệm; nhất là phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội tại khu vực cách ly y tế, phong toả với sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của chính quyền cơ sở, lực lượng công an, tổ dân phố… Bên cạnh việc hỗ trợ 300.000 khẩu trang, 10.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm PCR, điều 1 xe xét nghiệm lưu động với công suất khoảng 1.000-2.000 mẫu đơn PCR, Bộ Y tế sẽ cấp khoảng 500.000 đến 1 triệu liều vaccine cho Bình Dương trong tháng 7/2021 để triển khai tiêm cho công nhân.
Đại diện Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo nhận định mặc dù dịch lây lan rộng nhưng Bình Dương đã xác định được sự kiện lây nhiễm gốc từ ngày 8/6. Tổ Thông tin đề nghị Bình Dương phải yêu cầu các nhà máy cung cấp ngay toàn bộ danh sách công nhân, số điện thoại liên lạc; thực hiện khai báo y tế điện tử cho công nhân; sử dụng hệ thống tổng đài tự động để ghi nhận các trường hợp ho sốt từ đó khoanh vùng, xác định những điểm nguy cơ cao để tập trung xét nghiệm tầm soát, nắm được thông tin những người có triệu chứng ho sốt để xác minh ngay. Ngoài ra Bình Dương cần có biện pháp chống “rò rỉ” dịch bệnh bằng cách yêu cầu những công nhân từ các điểm có dịch về các địa phương khác phải thực hiện khai báo y tế điện tử.
Khoanh nhanh, phong toả gọn
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong các đợt dịch trước, Bình Dương đã chỉ đạo tốt công tác phòng chống dịch. Từ kinh nghiệm đó, với những ổ dịch đã được phát hiện, tỉnh tập trung khoanh gọn, xét nghiệm thật nhanh, thu hẹp dần điểm phong toả theo đúng tinh thần Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh ở Bình Dương còn rất lớn, không chỉ trong các KCN mà cả ở nhiều nhà máy, doanh nghiệp xen lẫn trong các khu nhà trọ.
Qua phân tích của các chuyên gia, số liệu cho thấy TP. HCM và Bình Dương có thể đã có chùm lây nhiễm mới từ trước ngày 8/6, do đó ít nhiều trong cộng đồng đã có dịch.
Việc thực hiện giãn cách xã hội, khoanh vùng, phong toả phải cân nhắc việc thực hiện giãn cách xã hội toàn bộ trên diện rộng mà linh hoạt trong việc phong tỏa theo diện hẹp, đến tận xã, phường, khu dân cư theo mức nguy cơ. Đã khoanh vùng phải thật chặt, nếu không sẽ không chỉ thiệt hại kinh tế mà còn khiến người dân có tâm lý lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch.
Trường hợp chưa khoanh được hẹp ngay thì khoanh vùng rộng nhưng phải làm rất nghiêm để tập trung lấy mẫu xét nghiệm rất nhanh trong một vài ngày, xác định được đúng các ổ dịch, nguồn lây để thu hẹp khu vực phong toả, đúng trọng tâm, trọng điểm.
Chính quyền địa phương tại những nơi không thực hiện phong tỏa, khoanh vùng cần yêu cầu người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K, hạn chế di chuyển, đi lại, tăng cường khai báo y tế, kiểm soát dịch bệnh…
Không tiếc nguồn lực dập dịch ngay từ đầu
Trong xét nghiệm, Phó Thủ tướng lưu ý cần chia làm 2 mũi. Mũi thứ nhất truy vết, dập dịch ngay những khu đã khoanh vùng, phong toả, không tiếc nguồn lực dập ngay lập tức để đỡ gây tốn kém sau này. Đồng thời không quên mũi thứ hai là lấy mẫu xét nghiệm tầm soát ở những nơi tưởng chừng an toàn nhưng thực tế có thể dịch bệnh đã xuất hiện trong cộng đồng.
Từ thực tiễn, Bình Dương cần kết hợp sáng tạo, linh hoạt các phương thức xét nghiệm bảo đảm hiệu quả tốt nhất trong tình huống dịch xảy ra trong KCN, trong nhà máy nằm xen kẽ khu dân cư, và trong cộng đồng… Bình Dương phải hết sức chú ý công tác điều phối thống nhất quy trình lấy mẫu, xét nghiệm, phần mềm khớp nối kết quả xét nghiệm, quản lý đối tượng xét nghiệm, trong trường hợp có nhiều đơn vị cùng hoạt động.
Đối với công tác phòng chống dịch trong KCN, Phó Thủ tướng đề nghị Bình Dương phải chỉ đạo các DN xây dựng phương án bố trí ca kíp sản xuất gắn với chỗ ở của công nhân, gắn với tuyến xe đưa đón, để khi có ca nhiễm ở phân xưởng nào, DN nào thì khoanh gọn lại ngay không ảnh hưởng đến cả nhà máy, KCN. Đồng thời các DN phải lập ngay danh sách công nhân, số điện thoại liên lạc, tổ chức khai báo y tế, sử dụng hệ thống tổng đài gọi điện tự động để tầm soát, phát hiện những người có triệu chứng ho, sốt… Các DN phải quán triệt công nhân hạn chế tiếp xúc, giao lưu, đi xe đúng tuyến.
Về chuẩn bị chỗ cách ly tập trung, Bình Dương phải quản lý thật nghiêm, giãn mật độ hết sức có thể để chống lây nhiễm chéo; cần chuẩn bị kỹ phương án cách ly F1 tại nhà ở những gia đình có điều kiện bảo đảm về an toàn dịch tễ. Các khu nhà trọ phải chuẩn bị phương án hoặc áp dụng thiết chế cách ly tập trung tại chỗ hoặc phải giải phóng toàn bộ khu trọ, khẩn trương làm sạch sau đó đưa công nhân không nhiễm bệnh quay trở lại.
Điểm cuối cùng Phó Thủ tướng đề nghị Bình Dương phải chỉ đạo sâu sát việc cập nhật dữ liệu thông tin về tình hình dịch bệnh từ cấp xã, phường phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh và toàn quốc sát với diễn biến thực tế./.