Làm tốt vai trò “từ mẫu”
Thời gian qua, công tác chăm sóc SKBMTE tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở tỉnh Bình Định được thực hiện khá bài bản, xuyên suốt từ tuyến huyện đến tuyến xã, thôn, bản, nhất là khu vực vùng sâu,vùng xa ít có điều kiện tiếp cận với kiến thức chăm sóc SKBMTE.
Để bù đắp thiệt thòi này, cán bộ, nhân viên y tế các trạm y tế xã, thôn tích cực tuyên truyền kiến thức cho đồng bào; chú trọng quản lý, theo dõi số lượng phụ nữ có thai để tư vấn về sàng lọc trước sinh; không sinh con tại nhà để đảm bảo sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh; nắm bắt số lượng trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn để theo dõi sự phát triển cân nặng, chiều cao từng bé; vận động người dân không sinh con thứ 3 để có thêm điều kiện chăm sóc con.
Chị Trần Thị Kiều Nga, nhân viên y tế Trạm Y tế Ân Sơn (Hoài Ân) chia sẻ: Đa số, ban ngày chị em thường đi làm rẫy nên chúng tôi thường đến tận nhà 3 đến 4 lần/tuần vào tầm sẩm tối để tư vấn cho chị em về cách chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn thai kỳ, hậu sản và chăm sóc trẻ sơ sinh, cũng như những lợi ích khi sinh con tại cơ sở y tế...
Hiện nay các trung tâm y tế (TTYT) huyện đều có đội chăm sóc SKBMTE, đội KHHGĐ, khoa sản của bệnh viện huyện phối hợp triển khai các hoạt động đến từng xã, thôn nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, cách nuôi con cho từng bà mẹ.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Xuân Lộc, Trưởng khoa Sản-Nhi, TTYT huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Khi theo dõi thai kỳ, Đội KHHGĐ sẽ tư vấn cho chị em cách chăm sóc thai đúng phương pháp theo từng giai đoạn, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho thai nhi cũng như sức khỏe bà mẹ. Nếu có điều gì bất thường, Đội KHHGĐ sẽ giới thiệu chị em đến khoa sản để được khám, theo dõi sâu sát hơn.
Bác sĩ Lang Đình Bính, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vân Canh cho hay: do nhận thức còn hạn chế nên nhiều chị em phụ nữ vùng cao chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe khi mang thai, nên vai trò của các nhân viên y tế là hết sức quan trọng. Họ không chỉ có chuyên môn giỏi mà còn phải có tấm lòng “từ mẫu”, phải xem chị em phụ nữ vùng cao như người nhà thì mới thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Còn nhiều khó khăn
Theo bác sĩ CKII. Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định, nhờ công tác tư vấn, tuyên truyền đều đặn, tích cực nên nhận thức về chăm sóc SKBMTE ở vùng đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện. Đa số phụ nữ có thai đã đến cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi, hơn 98% phụ nữ không sinh con tại nhà.
Tuy nhiên, do khả năng nhận biết các kỹ năng về sức khỏe sinh sản còn kém nên hiện tượng trẻ vị thành niên mang thai còn tồn tại. Bên cạnh đó, vấn đề về nhân lực để đáp ứng nhu cầu của các trạm y tế vẫn chưa đủ.
Đơn cử như, tại xã vùng cao Vĩnh Sơn, do đường cách trở nên TTYT huyện cấp 1 máy đo điện tim và một máy siêu âm, nhưng chưa phát huy được hiệu quả do không có người sử dụng thành thạo. Bác sĩ CKII Hứa Tự Thảo, Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Mỗi trạm y tế chỉ có 1 bác sĩ nên khó cử đi học được. Để bồi dưỡng trình độ cho bác sĩ tại trạm, Trung tâm đưa bác sĩ tới trạm để hướng dẫn và ngược lại, bác sĩ của trạm y tế tới Trung tâm để học tập kinh nghiệm.
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng thiếu hụt bác sĩ, đặc biệt là ở các huyện miền núi, bác sĩ Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định cho hay: Tiếp tục mời gọi bác sĩ về công tác tại tỉnh qua các kênh khác nhau: gửi thông tin về nhu cầu và chính sách thu hút, ưu đãi của tỉnh cho các trường đại học y dược; tham gia các ngày hội tuyển dụng việc làm do các trường tổ chức; khuyến khích các đơn vị có chế độ phúc lợi ưu tiên cho bác sĩ; tạo điều kiện cho các bác sĩ trẻ học tập nâng cao trình độ chuyên môn; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện để bác sĩ có cơ hội phát triển chuyên môn... “Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân nên việc thu hút bác sĩ về công tác vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn”.
ĐẠT THÀNH NHÂN