An Lão là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, địa bàn sinh sống của ba dân tộc anh em Kinh, H’rê và Ba Na.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, An Lão là vùng tự do, hậu cứ cách mạng của tỉnh Bình Định.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, An Lão là căn cứ cách mạng phía Bắc của tỉnh Bình Định và Quân khu V. Do vậy, chính quyền Mỹ - Diệm đã dã man thực hiện chính sách 3 sạch: Giết sạch, phá sạch, đốt sạch; xây dựng bộ máy ngụy quân ngụy quyền; tổ chức nhiều cuộc truy lùng, càn quét đẫm máu hòng uy hiếp, đàn áp tinh thần, ý chí cách mạng của quần chúng Nhân dân; đồng thời, dồn hơn 11.000 dân trong huyện về sống xung quanh quận lỵ và dọc trục đường số 5 để kiểm soát, quản lý.
Cách đây 60 năm, ngày 07/12/1964, bộ đội chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích mở chiến dịch An Lão. Chỉ trong vòng 02 ngày (07 - 08/12/1964), Chiến dịch giải An Lão cơ bản thắng lợi, huyện An Lão được giải phóng. Chiến thắng An Lão đã đánh dấu bước trưởng thành mới của bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương.
Là huyện được giải phóng đầu tiên trên địa bàn Quân khu V, An Lão đã trở thành căn cứ địa cách mạng của tỉnh và Quân khu. Để làm tròn vai trò là hậu cứ cách mạng, quân và dân An Lão đã đương đầu với nhiều trận càn ác liệt, rải thảm bom đạn, chất độc, gom dân của Mỹ - ngụy hòng biến An Lão trở thành “vùng trắng”.
Vượt qua nhiều gian khổ, bất chấp mọi tổn thất, hy sinh; đồng bào các dân tộc trong huyện quyết “một tấc không đi, một ly không rời”, bám đất, giữ làng, kiên cường chiến đấu hơn 10 năm ròng rã, làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù; lập nên những kì tích anh hùng, xứng đáng là hậu phương vững chắc của chiến trường Quân khu V; góp phần giải phóng tỉnh Bình Định và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, từ một địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề, An Lão đã tiến từng bước vững vàng, Nhân dân đoàn kết, ra sức lao động sản xuất để xây dựng quê hương. Trong nhiều năm qua, kinh tế của huyện không ngừng phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao, các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng được quan tâm chăm sóc; bộ mặt nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Xuân Vĩnh - Bí thư Huyện ủy An Lão cho biết: Kinh tế huyện hằng năm tăng trưởng khá. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư, hoàn thiện kết nối với các địa phương trong tỉnh; nhiều công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng, bộ mặt nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc.
Hiện nay, huyện có 7 di tích lịch sử cấp tỉnh, 01 di tích cấp quốc gia; quy mô, chất lượng giáo dục và đào tạo phát triển khá, có 14/25 trường học đạt chuẩn quốc gia; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, có 10/10 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; công tác đền ơn đáp nghĩa được chú trọng, các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực; tỉ lệ hộ nghèo của huyện cuối năm 2024 còn 8,42%; đồng bào các dân tộc được đảm bảo đất ở, nhà ở, đất sản xuất, được hỗ trợ để phát triển sản xuất; qua đó đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng lên.
Tại Lễ kỷ niệm, ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho hay: Chiến thắng An Lão thể hiện khí thế cách mạng tiến công của quân và dân An Lão - Bình Định nói riêng, cả nước nói chung, là điểm son khởi đầu cho việc đánh bại các kế hoạch và chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở miền Nam. Chiến thắng An Lão là chiến thắng của tinh thần đoàn kết quân dân, đoàn kết giữa ba dân tộc anh em Kinh, H’rê và Ba Na, gắn liền với sự ra đời và truyền thống vẻ vang của nhiều đơn vị bộ đội chủ lực, đặc biệt là Trung đoàn 2 An Lão anh hùng.
Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, quân và dân An Lão cần phải tiếp tục nêu cao hơn nữa ý chí tự lực tự cường, phát huy tinh thần đoàn kết các dân tộc anh em, năng động, sáng tạo, huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
"Với truyền thống cách mạng, tiềm năng và thế mạnh, cùng với quyết tâm, sự đoàn kết của cấp ủy, chính quyền, dân và quân trong huyện, tôi tin tưởng rằng An Lão sẽ phát triển nhanh và toàn diện, vững bước đi lên như mong đợi của cán bộ và Nhân dân huyện nhà", ông Lê Kim Toàn cho biết thêm.