Tối 21/9, trang Facebook có tích xanh (dấu hiệu nhận biết trang cá nhân chính chủ) tên Vo Quoc của đầu bếp Võ Quốc, đã chia sẻ lời xin lỗi của biên kịch B.B.B. kèm theo lời thóa mạ, xúc phạm báo chí. Ở phía dưới bài chia sẻ, người này còn dùng những lời lẽ tục tĩu để nói về những người làm báo. Một số nhân vật comment hưởng ứng, tài khoản Facebook Võ Quốc cũng có tương tác qua lại với các comment này. Nội dung nói trên nhanh chóng bị cộng đồng mạng phản ứng dữ dội.
Tương tự, Nờ Ô Nô là cái tên gây ra rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng Việt Nam vào cuối năm 2022, khi đoạn video “Người nghèo ăn gì - Nờ Ô Nô cho ăn đó" của TikToker (người sử dụng mạng xã hội TikTok) này, miệt thị người nghèo và người cao tuổi.
Các video thường bắt đầu kiểu: "Hello (xin chào) bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn" hay thậm chí là "nghèo mà còn chê đồ ăn", "Bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu"... Các video được lan truyền nhanh chóng trên các nền tảng mạng xã hội. Đáng chú ý, sau khi bị cư dân mạng chỉ trích, Nờ Ô Nô còn đăng tải một đoạn video, với lời lẽ đầy thách thức.
Và thật đáng buồn, những câu chuyện như trên không hề hiếm gặp. Mạng xã hội là nơi bày tỏ quan điểm cá nhân, thể hiện cái tôi của mỗi người. Nhiều người đã chú ý xây dựng hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội để thu hút nhiều lượt theo dõi với mục đích trực tiếp hoặc gián tiếp để thu được lợi ích. Thế nên mới xuất hiện khái niệm influencer (người có ảnh hưởng) trên mạng xã hội với mỗi bài đăng có hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận. Không ít người còn đang lạm dụng quyền “tự do ngôn luận” trên không gian mạng để thỏa mãn khao khát nổi tiếng của mình.
Theo Hiệp hội Thông tin di động thế giới, Internet tại Việt Nam 2023 đang phát triển mạnh với 77 triệu người dùng (chiếm 79,1% dân số). Mạng xã hội cũng trở thành nền tảng quan trọng, với hơn 70 triệu người tham gia, trung bình mỗi người dùng Internet tại Việt Nam dành ra 2 giờ 19 phút mỗi ngày để truy cập mạng xã hội.
Nếu tìm kiếm từ khoá “ứng xử kém văn minh”, thì ngay lập tức kết quả trả về trên google là 17.400.000 trong vòng 0,36 giây. Theo khảo sát mới được công bố của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI).
Tính đến tháng 1 năm 2023 Việt Nam có 77 triệu người dùng (chiếm 79,1% dân số) Những con số trên chứng minh rằng, mạng xã hội tuy là ảo, nhưng những ảnh hưởng của nó đến cộng đồng là thật, tích cực cũng nhiều và tiêu cực cũng không ít. Căn bệnh háo danh đã “di căn và biến chứng” hết sức nghiêm trọng trong thời đại 4.0 ngày nay. Xu thế chửi bới, bôi nhọ, "bóc phốt", tấn công cá nhân trên không gian mạng là những biểu hiện "lệch chuẩn", đang thu hút một lượng lớn người theo dõi, lấn át các thông tin quan trọng của đời sống xã hội.
Một bộ phận người có ảnh hưởng ứng xử xấu xí trên không gian mạng, như tranh cãi, đấu tố đồng nghiệp, quảng cáo sai sự thật nhằm thu lợi… Thậm chí, có những người thường xuyên thể hiện sự trịch thượng, “chỉ bảo” cơ quan này, tổ chức kia phải làm thế này, thế khác bằng thái độ hết sức chủ quan. Tồn tại quá lâu trong một thế giới ảo đầy rẫy những lời ca tụng, họ càng ngày càng "ngáo quyền lực".
Tâm lý đám đông làm lan tỏa cực nhanh các thông tin gây sốc mà không cần phải đắn đo, suy xét, kiểm chứng, bởi vì họ đã sẵn có niềm tin rằng, những thông tin của những người ảnh hưởng ấy là sự thực, thậm chí là chân lý. Nó có tác động mạnh mẽ tới công chúng, đặc biệt là người trẻ - bộ phận chiếm số đông người dùng trên mạng xã hội, những người cởi mở, năng động, hướng ngoại, tuy nhiên sự trải nghiệm, hệ giá trị sống đang trong quá trình hình thành nên dễ dàng bị “rác” mạng tấn công.
Hiện tượng "ngáo" quyền lực trên mạng xã hội đang ngày càng phổ biến Những người dù có sức ảnh hưởng thế nào, thì họ vẫn là một công dân, phải thượng tôn pháp luật, có văn hoá và đạo đức. Không thể lấy số lượng người theo dõi, lượt xem làm công cụ để làm càn. Giá trị của người nổi tiếng trên mạng xã hội nên được đo đếm bằng những điều tích cực mà họ đem đến cho cộng đồng.
Với những mặt trái của không gian mạng, việc sử dụng internet và mạng xã hội ở Việt Nam luôn có những nguyên tắc và quy định nhất định. Điển hình là phải tuân thủ Luật An ninh mạng, Luật Công nghệ thông tin, Luật Báo chí, Luật Xuất bản và Quy chế sử dụng mạng xã hội...
Để góp phần làm trong sạch không gian mạng, chống lại sự hoành hành của thông tin giả, xấu, độc nên nhiều người trên cộng đồng mạng không được tiếp tay phát tán những thông tin độc hại. Mỗi chúng ta phải là 1 người sử dụng mạng xã hội có bản lĩnh, có văn hóa, ứng xử văn minh thì mới mong xây dựng một cộng đồng mạng xã hội lành mạnh. Sự ảo tưởng sức mạnh từ ngoài đời thật cho đến môi trường mạng xã hội đều để lại những hậu họa khôn lường.