Sau vài tháng đóng băng do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, thị trường bất động sản đã bắt đầu hoạt động trở lại. Vậy bức tranh thị trường hiện nay như thế nào và diễn biến tiếp theo trong các tháng cuối năm sẽ ra sao?
Giá nhà vẫn tiếp tục đà tăng
53 triệu đồng/m2 - đó là giá bán trung bình của căn hộ tại TP. Hồ chí Minh. Còn tại Hà Nội, mức giá bán căn hộ hiện tại đang dao động khoảng 34 triệu đồng/m2. Đây là con số được đưa ra từ một số công ty nghiên cứu thị trường uy tín.
So với năm ngoái, mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch COVID-19, lượng giao dịch bị giảm sút nghiêm trọng, nhưng giá nhà tại 2 thị trường bất động sản lớn nhất cả nước vẫn tiếp tục đà tăng, từ 10 - 17%. Thiếu hụt nguồn cung dự án mới vẫn là nguyên nhân được các chuyên gia lý giải cho nghịch lý này.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong 2 năm vừa qua đã làm chậm tiến độ xây dựng của các dự án bất động sản. Các dự án đã phát sinh thêm nhiều chi phí như: tiền lương nhân công, giá nguyên liệu đầu vào, khiến giá bán tiếp tục tăng.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận Kinh doanh Tiếp thị, Công ty CBRE nhận định: "Năm 2020 - 2021 nguồn cung trên toàn thị trường có xu hướng giảm rất mạnh, rất ít dự án có thể triển khai được thời gian này. Chính vì vậy những chủ đầu tư nào có thể triển khai trong năm nay, họ cũng muốn tận dụng cơ hội thị trường để nâng cao giá bán".
Một số ý kiến phân tích, đang có hiện tượng các doanh nghiệp bất động sản dẫn dắt cuộc chơi về giá. Hiện nay, các quỹ đất ở vị trí tốt và đắc địa nằm trong tay một số chủ đầu tư lớn, họ bắt đầu thiết lập các mức giá cao hơn hẳn so với mặt bằng giá đã xác lập trước đây. Chỉ 2 năm trước, mức giá cao nhất của căn hộ chỉ khoảng 200 triệu đồng/m2 thì tới năm nay đã lên tới mức 400 - 700 triệu đồng/m2.
"Bản thân chủ đầu tư họ cũng đã đầu tư cho chất lượng phát triển tốt hơn. Họ tích hợp điều kiện bàn giao tốt, thêm tiện ích khiến mặt bằng chung từ chi phí dự án tăng lên, khiến giá bán cao hơn", bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội cho hay.
Đáng chú ý, toàn bộ nguồn cung đa phần hàng tồn từ các quý trước. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nguồn cung trên toàn thị trường đạt ngưỡng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tại một số thị trường, lượng giao dịch thành công chỉ đạt khoảng 30%.
Xuất hiện hiện tượng bỏ cọc mua đất
Tuy giá nhà tại các thành phố lớn vẫn tăng nhưng trong quý III vừa qua, tại một số địa phương đã diễn ra cơn sốt đất đầu năm, lại có hiện tượng rao bán cắt lỗ. Thậm chí, còn xảy ra tình trạng các nhà đầu tư bỏ cọc đấu giá đất.
Mặc dù chỉ cách đó một thời gian rất ngắn, họ phải chen lấn, sẵn sàng trả giá đấu cao gấp 5 lần so với giá khởi điểm. Liệu đây có phải là thông tin đáng lo ngại cho thị trường bất động sản?
Tại Bắc Giang, nhiều khách hàng đã trúng giá đất nhưng đã bỏ cọc. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Thanh Hóa. Để chấn chỉnh, tỉnh đã có văn bản yêu cầu người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải đặt trước mức tiền 20% giá khởi điểm của thửa đất đấu giá.
Ông Tống Thanh Chung - Chủ tịch HĐQT Công ty Sky Group cho hay: "Các nhà đầu tư vào giai đoạn đó họ xác định không mua lâu dài. Có 1 tỷ đồng thì đặt cọc 10 mảnh. Khi thị trường vỡ, họ không đủ tiền vào. Đa phần nhà đầu tư chạy theo sóng là không có tiền thật, họ dùng đòn bẩy, vay mượn. Ở Phú Quốc thời sốt đất tôi đã thấy có người bỏ cọc 5 - 7 tỷ đồng là chuyện bình thường".
Trong khi đó, nhiều thông tin rao bán cắt lỗ trên các trang tin nhà đất lại được xem là "độc chiêu" bán hàng quen thuộc được nhiều môi giới áp dụng. Mục đích chính là thu hút sự quan tâm của người mua giữa hàng trăm thông tin rao bán nhà đất mỗi ngày. Các chuyên gia cho rằng, việc rao bán cắt lỗ là có nhưng chỉ là số ít.
"Câu chuyện bán tháo sẽ không xảy ra đồng loạt, chỉ là một bộ phận đang thiếu hụt tài chính. Nó chỉ là nhóm nhỏ, không đại trà với thị trường lúc này", ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cho hay.
Các thông tin rao bán cắt lỗ cũng phần lớn diễn ra tại các bất động sản chưa hoàn thiện pháp lý, không đúng tiến độ nên họ sẵn sàng bán thấp hơn giá thị trường. Trong khi đó, các dự án đủ pháp lý, đặc biệt tại các thành phố lớn, các chủ đầu tư vẫn chưa hề có động thái giảm giá nào.
Dự báo "bức tranh màu sáng" của thị trường bất động sản
Dù có nhiều bức tranh trái chiều, nhưng bất động sản vẫn là kênh được nhiều nhà đầu tư lựa chọn giữ tiền an toàn. Năm nay, có thể nói là một năm rất nhiều cung bậc cảm xúc của thị trường, khi ngay từ đầu năm, đất đai đã nóng sốt tại hàng loạt các tỉnh, thành.
Thời điểm giữa năm, cả thị trường lại trầm lắng, đóng băng lạnh lẽo do dịch bệnh khiến nhiều địa phương phải giãn cách xã hội. Rất nhiều người kỳ vọng từ nay tới cuối năm, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, thị trường sẽ giống như một chiếc "lò xo" bị nén chặt sẽ bật lên.
Lãi suất tiết kiệm gửi ngân hàng đang ở mức thấp kỷ lục. Theo thông tin từ Chứng khoán Bảo Việt, kỳ hạn 6 tháng thấp nhất là 3,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng thấp nhất nhất là 4,5%/năm. Trước tình huống này, nhiều ý kiến cho rằng, dòng tiền có thể chảy vào bất động sản.
Quý IV hàng năm cũng là mùa bội thu của thị trường bất động sản, khi nhu cầu sắm nhà trước Tết tăng cao. Bởi vậy, thị trường bất động sản trong các tháng tiếp theo được dự báo sẽ có bức tranh màu sáng./.