Đời sống, thu nhập của bà con nông dân không ngừng được cải thiện nhờ đưa các giống cây con mới vào nuôi trồngĐại hội Đảng bộ huyện Bảo Yên khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với kỳ vọng về một giai đoạn bứt phá, đưa huyện trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Lào Cai. Đại hội đã đề ra 20 nhóm chỉ tiêu cho từng lĩnh vực, lựa chọn 4 lĩnh vực đột phá đề ra 5 nhiệm vụ chủ yếu, 5 nhóm giải pháp trọng tâm để thực hiện.
Sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị Quyết, với 7 nhóm nhiệm vụ theo từng lĩnh vực và cụ thể hóa bằng 12 đề án, 2 Nghị quyết chuyên đề. Thành lập 16 Ban Chỉ đạo bao trùm trên tất cả các lĩnh vực, do các đồng chí Thường trực Huyện ủy trực tiếp làm trường các ban; đồng thời, phân công, phân nhiệm từng đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng, Ban Thường vụ phụ trách các lĩnh vực và phụ trách các chi, đảng bộ trực thuộc để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra...
Ông Nguyễn Công Tư, Phó Bí thư Thường trực huyện Bảo Yên cho biết: Những định hướng, quyết sách lớn được đưa ra đã tác động sâu rộng đến kinh tế-xã hội và đời sống Nhân dân. Nhờ đó, kinh tế huyện Bảo Yên đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện (GRDP) duy trì ở mức cao, trung bình đạt 13,7%/năm (đứng thứ 4 trong các huyện, thị xã, thành phố). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, trong đó: Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 31% năm 2020 xuống còn 25%; công nghiệp và xây dựng tăng từ 30,8% lên 36,5%, thương mại, dịch vụ, du lịch tăng từ 38,2% lên 38,5%.
Đặc biêt, giá trị sản phẩm trên 01 ha đất canh tác đạt 100 triệu đồng/ha, bằng 100% mục tiêu Đại hội; Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 140 triệu đồng/ha đất canh tác/năm. Triển khai Nghị quyết 10 của Ban Thượng vụ Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển nông nghiệp hàng hóa, Bảo Yên với nhiều cách làm sáng tạo đã đạt được nhiều kết quả.
Cụ thể, huyện đã và đang dần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, với 25.000 ha quế, trên 300 ha chè, gần 300 ha chuối, đã có những vùng nông nghiệp chất lượng cao như vùng sản xuất Chè VietGAP quy mô 200 ha, trên 500 ha Quế đạt chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn EU, 100 ha Chuối đã được cấp mã số vùng trồng và chứng nhận VietGAP, duy trì 56ha cây Dâu tằm. Toàn huyện có 50 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên, 76 cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm sản quy mô từ nhỏ đến vừa…
Đền Bảo Hà là một trong những điểm đến thu hút du khách Là địa phương có thế mạnh phát triển về du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng, thời gian qua, Bảo Yên cũng đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, khôi phục, bảo tồn và phát triển văn hóa đồng bào các DTTS, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Nhờ đó, du lịch đã có sự phát triển nhanh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong nhiệm kỳ, huyện đã đầu tư gần 350 tỷ đồng, hoàn thành 08 dự án trùng tu, tôn tạo, mở rộng các di tích trên địa bàn. Toàn huyện hiện có 11 di tích, danh thắng được các cấp công nhận; 01 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 02 Điểm du lịch cấp tỉnh; 06 nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân văn hóa dân gian; 03 nghề thủ công truyền thống; 12 lễ hội truyền thống được phục dựng, bảo tồn và phát huy. Lượng khách du lịch năm 2025 đến địa bàn huyện ước đạt 1,4 triệu lượt, doanh thu từ du lịch ước đạt 972 tỷ đồng.
Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng được Bảo Yên quan tâm triển khai, đó là xây dựng “Huyện nông thôn mới”; Huyện xác định, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là điểm nhấn của nhiệm kỳ. Người dân - đối tượng trực tiếp thực hiện và thụ hưởng thành quả đã thật sự quan tâm, thấy được lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới. Do đó, việc huy động nguồn lực trong Nhân dân thuận lợi, với hàng chục tỷ đồng đóng góp, hơn 250.000m2 đất được hiến tặng để mở rộng đường giao thông nông thôn.
“Đến nay, 100% các thôn, bản đã có đường bê tông xi măng đến trung tâm; 100% các thôn bản đã có điện lưới quốc gia; 206/206 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố; đời sống vật chất tinh thần người dân được nâng lên rõ rệt, dự kiến đến hết năm 2025 đạt 74 triệu đồng. Phấn đấu đến hết năm 2025 có 16/16 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí nông thôn mới, thị trấn Phố Ràng đạt chuẩn đô thị văn minh, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và huyện Bảo Yên đạt chuẩn tiêu chí huyện nông thôn mới”, Ông Nguyễn Công Tư, Phó Bí thư Thường trực huyện Bảo Yên chia sẻ.
Với các giải pháp đồng bộ và hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho người dân trong huyện. Trong nhiệm kỳ, toàn huyện Bảo Yên đã giảm 3.515 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,17%/năm, vượt 208% mục tiêu Đại hội; giảm 2.683 hộ cận nghèo (giảm 12,73%).
Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm 5,21%/năm… Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; 100% các xã, thị trấn duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp, là một trong 3 huyện trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi.
Y tế tiếp tục được đầu tư, trang bị theo hướng hiện đại hóa; bệnh viện đa khoa huyện được được đầu tư xây dựng mới, với quy mô 250 giường bệnh; 02 phòng khám đa khoa khu vực và 17/17 trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia. Năm 2025, số giường bệnh/1 vạn dân đạt 25 giường; số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt 7 bác sỹ…
Diện mạo nông thôn mới ở Bảo Yên ngày càng khởi sắcThực hiện Nghị quyết 37/NQ-HĐND ngày 26/4/2025 của HĐND tỉnh Lào Cai về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Bảo Yên, từ 17 xã, thị trấn cùng với 02 xã Tân An, Tân Thượng (huyện Văn Bàn) tiến hành sáp nhập thành 6 đơn vị hành chính cấp xã mới. Không chỉ là thay đổi về địa giới hành chính, đây là một bước ngoặt mang tính lịch sử, tạo nền tảng, không gian phát triển mới cho huyện trong giai đoạn tiếp theo.
Với tâm thế và khí thế mới, Bảo Yên đã sẵn sàng, chủ động, quyết tâm cao, đồng hành cùng cả nước bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.