Lễ Tri ân và Hiến tặng hiện vật có sự tham gia của Tiến sĩ Trần Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà Văn Việt Nam; Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội nhà Văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cùng với đó là các nhà văn, nhà thơ và đại diện gia đình các nhà văn, nhà thơ đã hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng.
Phát biểu tại buổi lễ, Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội nhà Văn Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam nhấn mạnh, buổi lễ là một hoạt động ý nghĩa và quan trọng trong việc bổ sung hiện vật và tôn vinh, tri ân đóng góp của các nhà văn, gia đình các nhà văn trong quá trình xây dựng và phát triển của Bảo tàng. Những hiện vật này có giá trị rất lớn góp phần quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá tôn vinh văn học Việt Nam đến với công chúng.
Bảo tàng Văn học Việt Nam hy vọng buổi lễ sẽ đón nhận thêm nhiều hiện vật quý từ các nhà văn, gia đình các nhà văn để Bảo tàng Văn học Việt Nam ngày càng phát huy việc lưu giữ, bảo quản, trưng bày và đưa những câu chuyện về nhà văn đến gần hơn với công chúng.
Tiến sĩ Trần Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những nỗ lực không ngừng và những hoạt động sáng tạo, đổi mới của Bảo tàng trong thời gian qua, đặc biệt là việc tổ chức lễ tri ân những gia đình nhà văn, nhà thơ đã hiến tặng hiện vật.
Qua đây, Tiến sĩ Trần Phương Lan cũng hy vọng Bảo tàng Văn học Việt Nam sẽ trân trọng, lưu giữ, sắp xếp các hiện vật một cách khoa học, phù hợp để các hiện vật sẽ kể lại những câu chuyện có giá trị của mình về sự gắn bó với các nhà văn, nhà thơ, để hiện vật không chỉ nằm trong kho lưu trữ, mà sẽ luôn được sống trong đời sống thú vị, lan tỏa đến khắp mọi miền đất nước.
Chia sẻ tại Lễ Tri ân và Hiến tặng hiện vật, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà Văn Việt Nam đã kể lại câu chuyện của mình khi ông 19-20 tuổi. Lúc đó, ông luôn tò mò rằng trong ngôi nhà trú ngụ của những nhà văn, các nhà văn ngồi sáng tác ở đâu, ánh đèn thế nào, họ dùng những đồ vật gì, họ viết về những điều gì… Ông cho rằng các hiện vật sẽ được làm hiện rõ chân dung đời sống của từng nhà văn, vì mỗi hiện vật đều chứa đựng lịch sử, thời gian, văn hóa, hồn cốt và cả những câu chuyện liên quan đến nhà văn.
Cũng theo ông, những hiện vật khi được cất giữ, bảo vệ trong kho dù rất an toàn về mặt vật chất nhưng thế giới tinh thần của hiện vật không được mở ra. Qua đó, ông đánh giá cao việc mở rộng cách tiếp cận các hiện vật mà Bảo tàng Văn học Việt Nam đang thực hiện. Nhờ đó, các hiện vật mới mở ra thế giới tinh thần, đời sống, ký ức và nhiều câu chuyện về mỗi nhà văn.
Thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và tất cả những người yêu văn chương, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ lòng biết ơn, sự trân trọng đối với các gia đình các nhà văn đã đóng góp những hiện vật mà ai cũng muốn giữ làm kỷ niệm cho Bảo tàng. “Bạn đọc cần điều này, các nhà văn thế hệ sau đến đây cũng cần điều này”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Một số hình ảnh tại buổi lễ: