Bám sát các chỉ đạo
Với vai trò là cơ quan tham mưu về công tác dân tộc, thời gian qua Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã có nhiều đóng góp quan trọng giúp cho tỉnh thực hiện các chính sách dân tộc đạt hiệu quả cao tại địa phương.
Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng: Nhờ bám sát các chỉ đạo từ trung ương, đồng thời vận dụng linh hoạt vào tình hình thực tế địa phương, tỉnh Cao Bằng đã triển khai có hiệu quả chính sách dân tộc trên cơ sở lồng ghép các dự án, chương trình hỗ trợ vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội. Điều đáng nói, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nên nhận thức của đồng bào DTTS có sự chuyển biến tích cực. Họ có ý thức thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, học hỏi tiếp thu những tiến bộ khoa học kĩ thuật, qua đó từng bước giảm nghèo bền vững.
Với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh sẽ có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả
Với đặc thù là huyện miền núi có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn tương đối cao, những năm qua, bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn từ UBND tỉnh Cao Bằng, Ban Dân tộc tỉnh, chính quyền huyện Bảo Lâm luôn tìm mọi giải pháp phù hợp nhất để giúp bà con vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế và từng bước thoát nghèo.
Trên cơ sở phân tích đặc điểm, thế mạnh của từng xã, vùng dân cư sinh sống, huyện Bảo Lâm lựa chọn và triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững. Hiện nay, có rất nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả như: Mô hình trồng hồi, quế, chăn nuôi trâu, bò, nuôi gà hữu cơ…
Tiêu biểu như tại xã Thái Học, Quảng Lâm (huyện Bảo Lâm), nằm trong dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều hộ gia đình đã triển khai mô hình nuôi gà hữu cơ. Trong quá trình chăn nuôi, các hộ được hỗ trợ 100% giống gà, thuốc thú y và được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, nuôi theo phương thức bán công nghiệp kết hợp chăn thả.
Chị Dương Thị Ngoãn (trú tại xã Quảng Lâm, Bảo Lâm) chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện cận nghèo. Kinh tế chủ yếu dựa vào trồng ngô, khoai, sắn, nên thu nhập rất bấp bênh. Từ khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển mô hình nuôi gà hữu cơ, kinh tế của gia đình ngày càng được cải thiện. Con cái tôi có cơ hội được tới trường, có thêm kinh phí để sửa chữa nhà dột nát…”.
Hay mô hình vườn ươm trồng các loại cây đặc thù, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Bảo Lâm như cây keo, cây quế, hồi được nhân rộng tới địa bàn các xã, thị trấn. Mới đây, từ nguồn vốn do Trung ương cấp, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã thực hiện đầu tư phát triển sản xuất tại nhiều địa bàn trọng điểm, trong đó có xóm Cà Đổng (huyện Bảo Lâm). Theo đó, mỗi xóm được hỗ trợ 500 triệu đồng đầu tư trồng cây hồi, cây sở lấy tinh dầu, vì đây là những loại cây trồng hợp thổ nhưỡng của địa phương. Từ việc thực hiện hiệu quả mô hình này, nhiều hộ đồng bào dân tộc Lô Lô huyện Bảo Lâm đã được hỗ trợ sản xuất, cấp các thiết bị phục vụ bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc.
Ngoài ra, dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm lợn đen được đẩy mạnh tại các xã Lý Bôn, Vĩnh Quang. Từ 11 con lợn giống và 330 con lợn nái ban đầu, sau vài năm thực hiện, đàn lợn đã tăng số lượng lên gần 10.000 con, giúp nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Theo lãnh đạo UBND huyện Bảo Lâm, nhờ sự quyết tâm xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, bám sát các chỉ đạo về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, triển khai có hiệu quả nhiều dự án, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương giảm dần qua từng năm, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch Nghị quyết HĐND cấp huyện, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.