Đối với đồng bào Xơ Đăng ở xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, báo chí là một trong những kênh thông tin hữu ích, giúp họ nắm bắt được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và học được những cách làm hay, hiệu quả từ các mô hình phát triển kinh tế - xã hội để áp dụng vào thực tiễn tại địa phương. Đồng thời, cũng thông qua báo chí, đồng bào Xơ Đăng nơi đây đã phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng đến với chính quyền các cấp. Cụ thể, trong thời điểm tháng 12/2023, sau khi nhận được phản ánh của người dân xã Ngọk Wang, Báo Dân tộc và Phát triển đã có loạt bài phản ánh: Đăk Hà (Kon Tum) Hỗ trợ bò sinh sản nhưng nhận “bê”, sau đó các cơ quan chức năng vào cuộc đã giúp đồng bào Xơ Đăng nơi đây nhận lại được con bò đúng nghĩa.
Anh A Quân, thôn Đăk Duông, xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà chia sẻ: Bà con trong thôn cảm ơn Báo Dân tộc và Phát triển đã đồng hành phản ánh thực tế và giúp bà con đổi lại con bò đủ trọng lượng. Nếu không có Báo phản ánh thì bà con cũng không phải biết như thế nào.
Phải khẳng định rằng, báo chí đã góp phần làm thay đổi từ nhận thức đến tư duy, hành động của đồng bào DTTS. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, làm cho đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng”.
Bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum
Tương tự, thời điểm tháng 3 đến tháng 4/2024, các hộ dân trồng mía trên địa bàn TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum lo lắng về việc Nhà máy Đường Kon Tum chậm thu mua mía. Cây mía khô dần trên ruộng, làm giảm năng suất và giảm trữ lượng đường. Sau khi báo chí vào cuộc với loạt bài phản ảnh về thực trạng đó thì chính quyền địa phương đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt. Nhờ vậy, việc thu mua mía cho người dân được triển khai nhanh chóng hơn.
Ông A Sút (dân tộc Ba Na), Thôn trưởng thôn Kơ Năng, xã Ngọc Bay, TP. Kon Tum cho biết: Sau khi Báo Dân tộc và Phát triển vào cuộc thì việc thu mua mía cho bà con được triển khai nhanh hơn, giúp bà con giảm bớt những thiệt hại không đáng có. Phải nói rằng báo chí luôn đồng hành và hỗ trợ giúp bà con mọi lúc, mọi nơi.
Với vai trò của mình, báo chí cả nước nói chung và Báo Dân tộc và Phát triển nói riêng luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các giải pháp, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương, địa phương chuyển tải nhanh chóng, kịp thời tới Nhân dân để Nhân dân hiểu và cùng tham gia thực hiện. Báo chí còn phát huy vai trò phản biện xã hội, nêu lên những vấn đề còn tồn tại, hạn chế để các cấp chính quyền có những giải pháp khắc phục kịp thời. Đồng thời, chuyển tải những mô hình mới, cách làm hay đến với người dân, từ đó tạo nên sức lan tỏa sâu rộng, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Ông A Nhum, làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum cho biết: Thông qua báo chí giúp đồng bào DTTS nắm bắt kịp thời những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các mô hình hay, cách làm hiệu quả ở các nơi. Từ đó, chúng tôi học hỏi và làm theo, nhất là việc phát triển du lịch, bởi làng Kon Kơ Tu là làng du lịch cộng đồng. Nhờ vậy, thu nhập của bà con cũng ổn định hơn.
Bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum cho biết: Báo chí là “cầu nối”, kênh thông tin hữu ích, giúp đồng bào DTTS nắm bắt kịp thời các thông tin, cách làm hay và áp dụng vào đời sống, lao động, sản xuất. Phải khẳng định rằng, báo chí đã góp phần làm thay đổi từ nhận thức đến tư duy, hành động của đồng bào DTTS. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, làm cho đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Trải qua 99 năm xây dựng và phát triển, báo chí đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là phương tiện thông tin, tuyên truyền hữu hiệu. Là “cầu nối” quan trọng giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc.