Những phận đời ám ảnhEm Hà Văn Thương, SN 2006, nhưng đã mồ côi cả bố lẫn mẹ. Bố em chết do sử dụng ma túy, mẹ thì chết không rõ nguyên nhân. Hiện nay, Thương phải ở với người bác ruột là Hà Thị Nêu. Cách đó không xa, em Lò Văn Thuyền, SN 2006 cũng mồ côi cả bố lẫn mẹ khi mới lên 2 tuổi. Hiện hoàn cảnh của Thuyền vô cùng khó khăn.
Khác với hoàn cảnh của Thương và Thuyền, hai em Vi Văn Thắng và Hoàng Văn Tuất, 12 tuổi nhưng bố đã mất từ lâu, mẹ lại bỏ đi làm ăn xa, nên không có người thân nuôi dưỡng. Rất may, thời gian này, 2 em được Đồn Biên phòng Tam Chung nhận về nuôi dưỡng đến hết năm 18 tuổi.
Ông Hoàng Văn Xùm, Trưởng Công an xã Tam Chung cho biết: từ năm 1993, trên địa bàn xã có nhiều đối tượng đến dụ dỗ bà con mua bán ma túy khiến nhiều người dân bị nghiện, gia đình tan hoang. Đặc biệt, trên địa bàn xã số người chết vì sử dụng ma túy ở độ tuổi lao động chính khá cao. Cụ thể, tính từ năm 2004 đến năm 2010, bản Pọong có 36 người nghiện thì có đến 31 người chết, bản Lát có đến 47 người chết do sử dụng ma túy… thực trạng này khiến cho địa phương trở thành xã có nhiều trẻ mồ côi nhất trong tỉnh. Trong số này có nhiều em mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Cuộc chiến của toàn dânXác định ma túy là hiểm họa của xã hội, nguyên nhân chính gây ra đói nghèo; hiện nay, người dân bản Pọong cũng như xã Tam Chung đã tích cực cùng chính quyền đẩy lùi ma túy. Anh Lò Quốc Tính, Bí thư, kiêm Trưởng bản Pọong, cho biết: Sau khi trên địa bàn xảy ra nhiều cái “chết trắng”. Người dân đã ý thức hơn về việc này. Bà con tích cực phát giác, tố giác những người liên quan đến ma túy. Trong đó, nổi bật là việc đưa được nội dung này vào hương ước. Hằng năm, xã đều tổ chức ký cam kết với các hộ dân để nêu cao ý thức tự giác chấp hành.
Anh Tính cho biết thêm, thời gian qua các già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong cộng đồng là những người tích cực nhất tham gia đẩy lùi tệ nạn ma túy trong cộng đồng. Qua đó, đời sống của người dân bước đầu đã có sự thay đổi.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phối hợp với Đồn Biên phòng tăng cường an ninh, đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của ma túy gây ra. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2015 đến hết năm 2017, UBND xã Tam Chung đã lập hồ sơ 13 người nghiện bắt buộc tại Trung tâm cai nghiện tỉnh; Công an xã Tam Chung phối hợp với Công an huyện đưa 4 người đi cai nghiện tại Trung tâm cai nghiện số 02 huyện Quan Hóa; vận động được 5 người đi cai nghiện tại trạm y tế xã. Bên cạnh đó, chính quyền luôn quan tâm đến những người nghiện thực hiện xong việc cai nghiện trở về địa phương, những người chấp hành xong án phạt tù về ma túy trở về…
Theo ông Hà Văn Thiếu, Chủ tịch UBND xã Tam Chiểu: Từ một điểm “nóng” về ma túy, đến nay địa bàn xã đã không còn tụ điểm về ma túy, không có đối tượng buôn bán ma túy; công tác vận động người nghiện, người nhiễm HIV đi cai nghiện, điều trị thu được nhiều kết quả, không còn tình trạng giấu nghiện, giấu bệnh như trước.
Theo Chủ tịch Thiếu, nhờ đẩy lùi tệ nạn ma túy, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn đã được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của bà con cũng được nâng lên. Hiện nay thu nhập bình quân của người dân đạt gần 15 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống từ gần 100%, nay còn hơn 60%.
Tuy nhiên, đây vẫn là một địa bàn vùng sâu, vùng xa, người dân vẫn còn hết sức khó khăn. Đặc biệt, các cháu mồ côi phải sống trong tình trạng thiếu thốn đủ thứ. Người dân nơi đây vẫn rất cần được cộng đồng, các tổ chức xã hội quan tâm, chung tay giúp đỡ.
Xã Tam Chung hiện có 8 thôn, bản với hơn 800 hộ dân, gần 4 nghìn nhân khẩu. Tính đến tháng 5/2018, xã có 92 người nghiện. Trong đó, bản Lát có tới 41 người, bản Pọong có 5 người, bản Cân có 14 người, bản Tân Hương có 5 người, bản Suối Lóng có 01 người, bản Ón có 26 người.
QUỲNH TRÂM