8 quy tắc giúp mắt khỏe
Giảm lượng bức xạ từ màn hình: Ánh sáng từ màn hình máy tính nếu chiếu trực tiếp vào mắt sẽ khiến mắt khó chịu và căng thẳng. Vì vậy, để giảm lượng bức xạ từ màn hình, vị trí màn hình máy tính nên được đặt cách mắt 50 đến 60cm hoặc bạn cũng có thể điều chỉnh độ sáng màn hình, hoặc đặt thêm kính lọc trước màn hình để đảm bảo không ảnh hưởng quá nhiều đến mắt. Sử dụng màn hình tinh thể lỏng (LCD) cũng tốt hơn cho mắt của bạn.
Tránh làm việc trong phòng tối: Làm việc trong phòng tối sẽ khiến mắt bạn mệt mỏi vì mắt cùng lúc phải điều tiết để phù hợp với độ sáng của màn hình và bóng tối của môi trường xung quanh. Theo các chuyên gia, nếu làm việc với máy tính hay đọc sách điện tử, bạn nên ngồi trong phòng sáng, tốt nhất là nơi có ánh sáng tự nhiên.
Đừng ngồi mãi một chỗ: Giữ đầu và cổ ở một vị trí quá lâu, nhất là khi bạn làm việc với máy tính hay sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, thường dẫn đến đau nhức ở cổ hoặc đau đầu. Ngồi thẳng lưng, không nên ngồi mãi một chỗ. Thỉnh thoảng bạn nên đứng lên, đi lại hoặc tập luyện nhẹ nhàng giúp các cơ bắp hoạt động.
Đo khám mắt thường xuyên: Nếu bạn nhìn trên màn hình mà thấy không rõ chữ thì có thể sẽ gây căng thẳng cho mắt hoặc đau đầu. Trước hết, bạn cần đảm bảo rằng màn hình được cách mắt 50-60cm. Khoảng cách này giúp mắt cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn. Nếu đã thay đổi khoảng cách giữa màn hình với mắt mà các vấn đề về mắt vẫn còn thi bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được điều trị. Những người thường xuyên tiếp xúc với máy tính và công nghệ thông tin, dễ bị nguy cơ tật khúc xạ và cần phải đo khám khúc xạ để chọn loại kính mắt phù hợp.
Dùng nước mắt nhân tạo: Những người từ 40 tuổi thường hay gặp triệu chứng khô mắt nếu họ thường xuyên làm việc với máy tính. Theo các chuyên gia, việc ít chớp mắt khi bạn thường xuyên nhìn chằm chằm vào màn hình hoặc đọc sách, báo sẽ khiến mắt dễ bị khô. Bạn nên dùng nước mắt nhân tạo để tránh tình trạng khô mắt, và để mắt nghỉ ngơi, tránh nhìn màn hình mỗi 20 phút.
Áp dụng quy tắc 20-20-20: Sau khi sử dụng máy tính trong nhiều giờ, mắt thường cảm thấy mệt mỏi vì các cơ phải hoạt động liên tục trong thời gian dài để nhận biết và quan sát nhiều hình dạng, màu sắc khác nhau. Theo các chuyên gia tư vấn, bạn nên áp dụng quy tắc 20-20-20: đó là cứ sau 20 phút làm việc với máy tính, hãy nhìn vào một vật nào đó trong 20 giây ở cách xa 6m. Sự nghỉ ngơi này sẽ giúp mắt và hệ thần kinh được thư giãn.
Dành thời gian tĩnh tâm: Theo các nghiên cứu, việc sử dụng máy tính thường xuyên có thể dẫn đến sự gia tăng sản xuất cortisol, một hormone gây stress. Mức cortisol cao, sẽ kéo theo các vấn đề liên quan đến mất ngủ, ADHD, lo lắng, trầm cảm. Bác sĩ tư vấn hãy để hệ thần kinh của bạn được nghỉ ngơi, tĩnh tâm bằng cách thực hành yoga, ngồi thiền hoặc đi dạo…
Không nhìn màn hình trước khi ngủ: Con người chúng ta đã được “lập trình” để hoạt động vào ban ngày và ngủ nghỉ vào ban đêm. Theo các bác sĩ, nếu nhìn màn hình các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ sẽ kích thích tinh thần và gây ra các vấn đề về giấc ngủ. Tốt nhất bạn nên tắt các thiết bị điện tử ít nhất hai giờ trước khi đi ngủ để mắt cảm thấy dễ ngủ.
5 bài tập thư giãn mắt
Nhắm mắt: Bài tập này rất đơn giản và bạn có thể thực hành nó mọi lúc, mọi nơi. Bạn chỉ cần nhắm chặt mắt trong 3 đến 5 giây, sau đó mở mắt trong 3 đến 5 giây tiếp theo. Lặp lại động tác khoảng 7 đến 8 lần. Khi thực hiện động tác nhắm mắt, bạn có thể dùng hai tay massage nhẹ nhàng quanh mắt trong vòng 1 đến 2 phút theo chiều xuôi và ngược lại để cảm nhận các cơ mắt được co giãn và phục hồi.
Vẽ hình bằng mắt: Với bài tập này, bạn cần giữ thẳng đầu, tập trung nhìn vào khoảng trống trước mắt, dùng mắt vẽ các hình hoặc viết chữ theo suy nghĩ của mình. Cách này giúp mắt được di chuyển, thư giãn nhẹ nhàng, tâm trí cũng thả lỏng.
Chớp mắt liên tục: Bạn hãy thực hiện chớp mắt liên tục trong 2 phút để giúp tăng lượng máu lưu thông đến đôi mắt, giảm tình trạng mỏi mắt, khô mắt.
Dùng tay ấn nhẹ vào thái dương: Đây là bài tập giúp dịch trong mắt lưu thông tốt hơn. Bạn sử dụng ngón trỏ hoặc ngón giữa, ấn nhẹ giữa thái dương, giữ trong 4, 5 giây. Lặp lại động tác này 5 lần. Trong khi thực hiện, bạn có thể vừa ấn nhẹ vào thái dương vừa nhắm mắt.
Nhìn sang trái - sang phải: Bài tập mắt này cũng tựa như bài vẽ hình bằng mắt, sẽ giúp mắt được di chuyển, hoạt động linh hoạt thay vì nhìn vào một điểm. Bạn giữ thẳng đầu, đưa mắt nhìn từ trái sang phải, và ngược lại. Thực hiện động tác này 10 lần, mỗi ngày làm từ 2 đến 3 lần bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt./.