Hưởng ứng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, mới đây, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã tổ chức hoạt động tuyên truyền giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc vệ sinh phụ khoa hằng ngày cho phụ nữ người bản địa và tặng quà tại Bệnh viện đa khoa Bentiu (Nam Sudan).
Tham gia chương trình có sự đồng hành của các y bác sỹ thuộc Tiểu đoàn Mông Cổ trong việc khám bệnh và cấp thuốc. Với sự chuyên nghiệp, nhiệt tình, đội ngũ y bác sỹ tình nguyện đã góp sức tạo nên một hoạt động có ý nghĩa dành cho phụ nữ Nam Sudan để cùng vinh danh ngày quốc tế của phái đẹp.
Sự kiện được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe cho nữ giới, kết hợp với khám bệnh cho phụ nữ Nam Sudan.
Đây là hoạt động ý nghĩa của các bác sỹ mũ nồi xanh Việt Nam với mong muốn gửi gắm thông điệp về vai trò của phụ nữ trên tất cả các quốc gia, cho dù quốc gia đó còn đang khó khăn, qua đây giúp phụ nữ tại Nam Sudan ý thức hơn vai trò quan trọng của họ, để họ biết trân trọng và tự bảo vệ tốt bản thân, đồng thời cũng góp phần giúp nam giới tại quốc gia này hiểu được điều đó.
Là một bác sỹ sản phụ khoa, bác sỹ Tống Vân Anh, Bí thư Chi đoàn, Tổ trưởng Tổ Phụ nữ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3, hiểu rõ tầm quan trọng của việc vệ sinh đối với sức khỏe sinh sản của phụ nữ, nhằm ngăn việc mắc các bệnh lý phụ khoa, trong đó có những bệnh không chỉ ảnh hưởng tới khả năng mang thai mà còn có thể gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe toàn thân.
Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ Nam Sudan không hiểu được sự quan trọng này, cũng như còn thiếu kiến thức về vệ sinh phụ nữ. Bên cạnh đó, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, không có nước sạch ảnh hưởng rất lớn tới việc vệ sinh của người dân, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý, viêm nhiễm...
"Sau buổi giáo dục sức khỏe này, tôi mong phụ nữ Nam Sudan ý thức và quan tâm hơn tới sức khỏe của bản thân, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Từ đó, nhận thức về vai trò của phụ nữ sẽ dần được tăng lên. Tôi cũng hy vọng đất nước Nam Sudan ngày một phát triển, để người dân ở đây có điều kiện sống tốt hơn, hạnh phúc hơn," bác sỹ Vân Anh chia sẻ.
Để phổ biến, giáo dục các kiến thức về bảo vệ, phòng, chống các bệnh lý về phụ khoa và hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm vệ sinh phụ nữ, bác sỹ Tống Vân Anh đã chuẩn bị kỹ lưỡng tài liệu để giảng cho các chị em với sự hỗ trợ nhiệt tình của phiên dịch.
Nội dung hướng dẫn đã góp phần giúp phụ nữ Nam Sudan hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh cơ thể; chủ động bảo vệ bản thân bằng những việc làm đơn giản để có được sức khỏe tốt nhất trong hoàn cảnh thiếu thốn nguồn nước sạch sinh hoạt cũng như sự gia tăng của nhiều nguồn nguy cơ gây mắc bệnh.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 tổ chức khám chữa bệnh, tư vấn, tặng thuốc men và dụng cụ y tế cho người dân Nam Sudan. (Nguồn: BVDC2.3)
Cùng với bác sỹ Vân Anh, các y bác sỹ nữ Việt Nam cũng tận tình hướng dẫn và tặng nhiều món quà đến tận tay những người phụ nữ Nam Sudan với lời dặn dò chu đáo.
Ngoài ra, một số phần quà cũng được trao tặng trực tiếp cho các sản phụ ở khoa Sản thuộc Bệnh viện đa khoa Bentiu, nơi diễn ra sự kiện.
Quà tặng của chương trình là những chai dung dịch rửa vệ sinh hằng ngày, xà phòng rửa tay và khẩu trang vải được làm từ chính bàn tay khéo léo của các nữ y bác sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3.
Không những thế, các "bóng hồng" của lực lượng gìn giữ hòa bình còn tự tay chuẩn bị thêm bánh bông lan cam và trà sữa Việt Nam cho mọi người dưới thời tiết nắng nóng mùa khô hanh tại Bentiu.
Niềm vui được lan tỏa, các chị em tham gia chương trình đều bày tỏ những lời cảm ơn trân trọng trước sự nhiệt tình, chu đáo của các bác sỹ mũ nồi xanh Việt Nam.
Chương trình đã diễn ra thành công, mang đến cho phụ nữ Nam Sudan những kiến thức vô cùng hữu ích, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về con người và đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ tại phái bộ, lực lượng cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đã và đang tích cực đóng góp nhiều hơn nữa cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình của những người lính mũ nồi xanh, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân quốc gia bản địa, đặc biệt là cho những người phụ nữ - một nửa của thế giới./.