Một cánh đồng khô hạn vì thiếu nước ở huyện Na Rì. (Ảnh: Tuấn Sơn)Vụ Xuân năm nay, tỉnh Bắc Kạn gieo cấy hơn 8.400ha lúa, hơn 8.000ha ngô và khoảng 470ha cây dong riềng, ngoài ra còn một số loại cây trồng khác như đỗ, lạc, thuốc lá, rau màu… Tuy nhiên, do thời tiết khô hạn kéo dài từ khoảng tháng 10/2024 đến nay đã khiến lưu lượng nước nhiều hồ đập thủy lợi, sông suối đạt thấp. Theo Đài Khí tượng thủy văn Bắc Kạn, tổng lượng mưa từ tháng 1/2025 đến nay ít hơn so với trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm trước từ 61-85%.
Mặc dù nhiều diện tích trồng lúa đã được người dân chủ động chuyển sang các loại cây trồng khác như ngô, dong riềng,... nhưng theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Bắc Kạn, đến ngày 10/5, toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 1.945ha cây trồng bị hạn, trong đó có hơn 100ha lúa, hơn 1.400ha ngô và khoảng 40ha cây thuốc lá (hoảng 585ha ngô và hơn 50ha lúa thiệt hại đến hơn 70%, nguy cơ mất trắng)… Huyện Na Rì là địa phương chịu hạn nặng nhất với gần 835ha ngô, lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại thôn Đồng Tâm, xã Kim Lư, huyện Na Rì (Bắc Kạn) gia đình bà Hoàng Thị Hoa gieo trồng hơn 5kg ngô giống trên diện tích gần 5.000m², nhưng cây ngô không thể phát triển do không có mưa.
Bà Hoàng Thị Hoa, thôn Đồng Tâm, xã Kim Lư, huyện Na Rì của tỉnh Bắc Kạn tại ruộng ngô của gia đình bị hạn hán. Ảnh: Chiến HoàngBà Hoàng Thị Hoa chia sẻ, cả mảnh soi bãi đã trồng ngô khá rộng nhưng chỉ có vài cây nảy mầm, còi cọc, còn lại hạt giống vẫn nằm yên dưới đất. Tương tự, bà cũng gặp khó khăn trong việc gieo cấy lúa vì diện tích đất canh tác của bà phải đợi mưa mới có nước. Việc hệ thống kênh mương không có nước và không thể bơm nước khiến bà và nhiều hộ dân khác lo lắng.
Một số hộ dân chủ động dùng máy bơm cỡ nhỏ cấp nước cho cây lúa. Ảnh: VOVBà Vi Thị Thúy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bắc Kạn cho biết, hiện đã quá thời gian gieo trồng vụ Xuân nên Sở yêu cầu các địa phương tập trung rà soát chặt chẽ diện tích, sẵn sàng các loại giống, phân bón và vận động người dân chủ động làm đất sớm để gieo cấy vụ Hè - Thu nhằm bù sản lượng thiệt hại. Đồng thời yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý công trình thủy lợi thực hiện trữ nước, lấy nước đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; Chủ động sử dụng máy bơm dã chiến, tận dụng nguồn nước sẵn có, đảm bảo cấp nước kịp thời trong các thời điểm sinh trưởng, phát triển quan trọng của cây trồng.