Theo Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang, để huy động thêm nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh phân công 56 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giúp đỡ 28 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị đã có các nội dung hỗ trợ cụ thể với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng.
Qua đánh giá, các hình thức giúp đỡ có tính ưu việt, đa dạng hơn so với giai đoạn trước. Ngoài giúp đỡ về vật chất, một số đơn vị được phân công còn tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả…
Thảo luận tại hội thảo, các ý kiến cho rằng, mặc dù đã có những hoạt động cụ thể song công tác giúp đỡ, nhận giúp đỡ còn hạn chế, một số xã còn lúng túng trong đề xuất nội dung, hình thức hỗ trợ cũng như phối hợp triển khai thực hiện. Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp để thu hút thêm nguồn nhân lực đầu tư…
Trao đổi tại Hội thảo, ông Vi Thanh Quyền - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, để phát triển KT-XH vùng DTTS, ngoài nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, các địa phương cần chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu viện trợ cho các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ, từ đó chủ động kết nối, đề xuất dự án.
Đồng thời, các địa phương tăng cường nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong công tác vận động, quản lý hoạt động viện trợ; các cơ quan, đơn vị, DN tăng cường tiếp xúc, kết nối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và tổ chức thăm, khảo sát trực tiếp các dự án chuẩn bị triển khai…