Tháng 5 và tháng 6 là thời điểm chuyển mùa và bắt đầu mùa mưa ở Bắc Bộ với đặc trưng là các đợt mưa rào, dông vào chiều tối, đêm và sáng, trung bình lượng mưa tháng 5 và 6 đóng góp vào tổng lượng mưa năm ở Bắc Bộ khoảng 15-25%. Trong giai đoạn chuyển mùa, khí quyển thường có tính chất bất ổn định cao, cộng thêm hiện tượng El Nino đang chuyển sang pha trung tính cũng là yếu tố bất lợi có thể tạo ra các hiện tượng mưa dông mạnh kèm theo mưa đá, lốc, sét. Đây là hiện tượng bình thường, mang tính quy luật.
Nhận định về thời tiết trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho rằng, với việc El Nino chuyển sang trạng thái trung tính rồi chuyển dần sang trạng thái La Nina thì hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng tập trung từ tháng 7-9 tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và từ tháng 10-12 tại khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Người dân và chính quyền địa phương cần đề phòng nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập ở khu vực miền Trung trong thời kỳ cuối năm.
Cùng với đó, từ tháng 9/2024, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm. Riêng tháng 11 có tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Khu vực từ Đà Nẵng - Bình Thuận có tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, riêng tháng 10, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 20-40% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tháng 11, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Để nâng cao chất lượng dự báo định lượng mưa, ngành Khí tượng Thủy văn tiếp tục tăng cường khai thác, sử dụng các nguồn dữ liệu quan trắc như: vệ tinh, radar, đo mưa tự động và các nguồn thông tin dự báo, đặc biệt là dự báo của mô hình khu vực độ phân giải cao; tăng cường ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại (trí tuệ nhân tạo, học máy…) trong xác định ngưỡng mưa chi tiết; tăng cường độ phân giải dự báo mưa định lượng lên 1-3km. Đồng thời, sử dụng đồng hóa nhiều nguồn dữ liệu tạo bản đồ mưa như: dữ liệu quan trắc, radar, mô hình số nhằm xác định khu vực xuất hiện các tâm mưa lớn phục vụ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; tạo bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trên cơ sở kết hợp các thông tin về ngưỡng mưa, độ ẩm đất…
Ngoài ra, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng mưa lớn cục bộ với cường suất lớn sẽ suất hiện nhiều hơn có thể gây ra tình trạng ngập úng đô thị, các khu công nghiệp, vùng núi có khả năng xảy ra sạt lở đất và lũ quét. Vì vậy, chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng cần thường xuyên rà soát các điểm nghẽn trên các sông, suối để cảnh báo kịp thời cho người dân và hệ thống thoát nước đô thị nhằm giảm tác động khi xảy ra thiên tai.