Theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021 – 2025, cả nước có 14 dân tộc có khó khăn đặc thù; gồm các dân tộc: Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu, Si La, Pu Péo, Cống, Mảng, Lự, Bố Y, Cờ Lao, Pà thẻn, Lô Lô, Chứt, La Ha.
Các dân tộc có khó khăn đặc thù sinh sống tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum.
Trong Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 về tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 – 2025, tiêu chí đầu tiên để xác định dân tộc có khó khăn đặc thù, là những dân tộc có dân số dưới 10 nghìn người; kế đó là tiêu chí có tỷ lệ hộ nghèo từ 33,45% trở lên.
Căn cứ vào số liệu điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019, 14 dân tộc nêu trên đáp ứng được tiêu chí về quy mô dân số dưới 10 nghìn người và có tỷ lệ hộ nghèo trên 33,45% (Riêng dân tộc Brâu có trong danh sách dân tộc có khó khăn đặc thù tại Quyết định 1227/QĐ-TTg nhưng sống tập trung tại xã Bờ Y, huyện Sa Thầy, một xã biên giới khu vực I của tỉnh Kon Tum nên không đáp ứng tiêu chí của dân tộc có khó khăn đặc thù).
Với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) cùng các chương trình, chính sách dân tộc khác, tỷ lệ hộ nghèo trong một số dân tộc có khó khăn đặc thù đến nay đã giảm so với thời điểm điều tra thu thập thông tin năm 2019.
Theo số liệu tổng hợp của Ủy ban Dân tộc từ báo cáo của 11 địa phương, tính đến ngày 30/6/2024, có 04/14 dân tộc có khó khăn đặc thù có tỷ lệ hộ nghèo giảm so với năm 2019 (gồm: La Ha, Pà Thẻn, Chứt, Rơ Măm). Trong đó, dân tộc La Ha giảm 26%, dân tộc Chứt giảm 16%; còn lại dân tộc Pà Thẻn và Rơ Măm tỷ lệ hộ nghèo giảm lần lượt là 4% và 5%.
Tuy nhiên, có 09/14 (chiếm 64,3%) dân tộc có khó khăn đặc thù có tỷ lệ hộ nghèo tăng so với năm 2019 gồm: Cống, Mảng, Lự, SiLa, Lô Lô, Cờ Lao, Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu. Trong đó, dân tộc Lự tăng 12%; dân tộc Cờ Lao tăng 10%; còn lại 7/14 dân tộc có tỷ lệ tăng từ 01% đến 6%.
Như vậy hiện nay, tỷ lệ nghèo của các dân tộc có khó khăn đặc thù vẫn còn tăng ở phần đông các dân tộc, chỉ có 1/3 số dân tộc có tỷ lệ nghèo giảm nhưng giảm không đáng kể. Điều này cho thấy, các địa phương cần tập trung thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 1 – Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719; trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm… tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn và có hộ dân tộc có khó khăn đặc thù đạt tỷ lệ từ 15% trở lên trong tổng số hộ DTTS trong thôn.
Nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ hộ nghèo được xác định là do nâng chuẩn nghèo. Tại thời điểm năm 2019, việc rà soát hộ nghèo được xác định theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 (thu nhập chuẩn nghèo là 700 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn). Từ năm 2022 đến nay, việc rà soát hộ nghèo thực hiện theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025; thu nhập chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn lên được điều chỉnh tăng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng.