Nhờ tiến độ tiêm chủng nhanh chóng, sự phục hồi kinh tế toàn cầu và một số động lực chính như: Việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tại Việt Nam… đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022, hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Tuy nhiên, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới tăng đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp; giá xăng dầu tăng đã tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ gây áp lực lên hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó đã có những tác động làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 455,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.777,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,3% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,2%).
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2022 ước tính tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất.
Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,3% (cao hơn tốc độ tăng 5,8% và 9,6% của cùng kỳ năm 2018 và 2019, những năm chưa có dịch Covid-19); sản xuất và phân phối điện tăng 2,8%; ngành khai khoáng tăng 2,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,4%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, IIP ước tính tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,5%).
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2022 được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Tuy nhiên, ở một số ngành sản xuất do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao đã kìm hãm sự gia tăng của sản lượng sản xuất./.