Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Marine Pollution Bulletin số ra ngày 23/9, cá ở đáy và trên mặt biển ăn phải một lượng vi nhựa đủ loại hình dạng, kích thước và màu sắc.
"75% số cá mà tôi lấy mẫu đã ăn phải vi nhựa. Tôi đã lấy mẫu cá trong khoảng thời gian hai năm, trong suốt tất cả các mùa, dọc theo bờ biển phía đông nam của miền nam Aotearoa (New Zealand), từ Oamaru đến Vịnh Te Waewae", nhà khoa học ven biển và tác giả chính của nghiên cứu, Isabella Clere, nói với Newsweek .
Nghiên cứu khẳng định nhựa có mặt ở khắp nơi trong các hệ sinh thái biển toàn cầu. Cho đến nay, có ít nghiên cứu về tình trạng các loài cá biển có giá trị quan trọng về thương mại ăn phải vi nhựa ở khu vực Nam bán cầu, đặc biệt là ở Nam Thái Bình Dương.
Với nghiên cứu này, các nhà khoa học sử dụng kính hiển vi và quang phổ Raman để định lượng số vi nhựa mà 10 loài cá có giá trị thương mại tại khu vực miền Nam New Zealand ăn phải. Theo đó, nghiên cứu phát hiện tình trạng ăn vi nhựa ở 75% trong tổng số 155 mẫu cá thuộc 10 loài phổ biến nhất đánh bắt được ở ngoài khơi bờ biển Otago trong hơn 1 năm. Trung bình trong mỗi con cá thuộc diện nghiên cứu có 2,5 hạt vi nhựa và vi nhựa dạng sợi là loại phổ biến nhất. Ước tính 99,68% số vi nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm
.Theo các nhà khoa học, cần phải nghiên cứu thêm để xác định các rủi ro đối với sức khỏe và môi trường sinh thái của con người khi ăn cá nhiễm nhựa.
Trong khi đó, Chính phủ New Zealand ngày 23/9 công bố quyết định trích 5,57 triệu đô la NZ (3,25 triệu USD) trong Quỹ đổi mới nhựa để đầu tư cho 4 dự án cắt giảm chất thải nhựa và giảm tác động của rác thải nhựa đối với môi trường.
Theo Bộ trưởng Mội trường David Parker, Chính phủ New Zealand cũng đang sử dụng nguồn ngân sách từ Quỹ giảm thiểu chất thải để giúp xây dựng một chương trình quản lý sản phẩm bao bì nhựa. Chương trình này sẽ yêu cầu các nhà sản xuất, chủ sở hữu thương hiệu, nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ và người tiêu dùng có trách nhiệm thu gom và xử lý bao bì nhựa. Ước tính khoảng 60% nhựa nhập khẩu vào New Zealand được sử dụng cho lĩnh vực đóng gói.
Ông Parker cho biết khoản đầu tư nói trên sẽ giúp giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường. Theo ông, Bộ Môi trường New Zealand đã xây dựng kế hoạch hành động dựa trên cách thức mà chính phủ nước này đã thực hiện để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, bao gồm lệnh cấm sử dụng túi ni lông dùng một lần, bao bì thực phẩm và đồ uống bằng polystyrene và các sản phẩm nhựa dùng một lần khác.