Bài 2: Hồi sinh di sản văn hóa
Tháng 4/2017, xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai), địa phương có 86% dân số là đồng bào dân tộc Mường, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trước đó, Phú Mãn là xã miền núi còn rất nhiều khó khăn; xã có 2/6 thôn thuộc diện đầu tư Chương trình 135; khi bắt tay vào xây dựng NTM, Phú Mãn chỉ đạt 6/19 tiêu chí. Hai năm trước thời điểm “cán đích” NTM, con đường độc đạo từ Quốc lộ 21 vào Phú Mãn nham nhở “ổ trâu”, “ổ bò”; phần lớn đường đi lối lại trong xã đều là đường đất.
Vậy mà tại thời điểm được công nhận đạt chuẩn, 100% hệ thống trục đường xã, thôn, ngõ xóm ở Phú Mãn đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% hệ thống trục đường giao thông, thủy lợi nội đồng bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất, dân sinh.
Hạ tầng được đầu tư đã góp phần nâng cao đời sống của người dân. Trước thời điểm được công nhận đạt chuẩn NTM một năm (năm 2016), xã người Mường duy nhất và khó khăn nhất của huyện Quốc Oai, nơi có 586 hộ dân với 2.376 nhân khẩu, có thu nhập bình quân đầu người đạt 33,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,3%,...
Niềm vui càng thêm trọn vẹn khi các cấp ngành, chính quyền địa phương quan tâm khôi phục sinh hoạt văn hóa cồng chiêng-biểu tượng tinh túy nhất của nghệ thuật dân gian dân tộc Mường. Trong năm 2014, mỗi bản Mường đã được trang bị một bộ cồng chiêng để bảo tồn nét văn hóa truyền thống với tổng giá trị 150 triệu đồng.
Cùng với Phú Mãn, việc khôi phục, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng người Mường cũng được triển khai tại xã Đông Xuân. Trước đó, đời sống khó khăn khiến văn hóa cồng chiêng gần như bị quên lãng. Sự trở lại của tiếng cồng chiêng mỗi dịp lễ hội thực sự làm hồi sinh những bản Mường ở Phú Mãn, Đông Xuân.
Dù vậy, nguy cơ mai một bản sắc văn hóa truyền thống cũng hiện hữu. Lo ngại nhất là những người biết đánh cồng chiêng không còn nhiều và đều đã cao tuổi. Ở Phú Mãn có nghệ nhân Đinh Thị Khoai-đã hơn 80 tuổi; còn ở Đông Xuân thì có Nghệ nhân Bùi Mạnh Chử cũng gần 80 tuổi. Đội ngũ kế cận các nghệ nhân này ngày càng ít đi.
Bởi vậy, với sự tham vấn của Ban Dân tộc, ngày 22/3/2016, huyện Quốc Oai ban hành Đề án Bảo tồn và Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Sau đó, huyện đã tổ chức 8 lớp tập huấn về cồng chiêng cho trên 450 lượt đồng bào thuộc nhiều lứa tuổi, giới tính và giai tầng xã hội; 2 đội cồng chiêng nòng cốt ở 2 xã Đông Xuân và Phú Mãn cũng đã được xây dựng. Hằng năm, huyện tổ chức các hội thi biểu diễn cồng chiêng, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Cùng với huyện Quốc Oai, các địa phương vùng DTTS và miền núi của Hà Nội cũng đã đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa của đồng bào Mường, Dao,… Ở những địa bàn cao nhất, xa nhất của Thủ đô, đồng bào Mường ở các xã Minh Quang, Khánh Thượng, Tản Lĩnh, Ba Trại… thuộc huyện Ba Vì đến nhà văn hóa các thôn, xóm sinh hoạt cộng đồng. Cách bản Mường không xa, nét văn hóa đặc trưng của người Dao là Lễ cấp sắc, Tết nhảy, múa chuông, múa rùa… được các cơ quan chức năng tạo điều kiện bảo tồn, phát huy giá trị. Để di sản thực sự “ăn sâu, bám rễ” trong cộng đồng, các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc cư trú như Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai đã xây dựng đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS, trong đó ưu tiên bảo tồn các di sản điển hình.
Theo ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng Ban Dân tộc TP. Hà Nội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào, thông qua bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của Thành phố. Các di sản văn hóa của đồng bào các DTTS được bảo tồn, phát huy sẽ trở thành nguồn lực phục vụ sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô.
KHÁNH THƯ