Trưa 14/6, cơn mưa bất ngờ trút xuống TP. Hồ Chí Minh tại một số quận 1, 3, 5, 10... dù trước đó bầu trời vẫn nắng gắt. Tuy nhiên, cơn mưa này kết thúc sau 5-10 phút. Ngay sau đó, liên tục kéo mây đen, xuất hiện mưa rào nhẹ, đến 14 giờ 30 phút thì mưa như trút nước, kèm theo sấm sét trên hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đến hơn 15 giờ, quận 1, quận 3, quận 4, quận 10... xuất hiện mưa đá.
Ông Lê Đình Quyết, Phó Phòng dự báo, Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ cho biết: Mưa đá xuất hiện do đối lưu không khí mạnh. Trước khi xảy ra mưa đá, nhiệt độ ngoài trời và độ ẩm rất cao khi có mưa đột ngột sẽ hình thành đối lưu không khí tạo mưa đá.
Theo một chuyên gia khí tượng, mưa đá thường xuất hiện ở Bắc Bộ do địa hình nhiều đồi núi. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây hiện tượng này xuất hiện nhiều hơn ở TP. Hồ Chí Minh và Nam Bộ do biến đổi khí hậu, nắng nóng sau đó mưa đột đột.
Lần gần đây nhất mưa đá được ghi nhận ở TP. Hồ Chí Minh là vào tháng 6/2022. Thời điểm đó, hiện tượng này xảy ra tại các quận ngoại thành như Tân Phú, Tân Bình.
Tới đây, mây dông tiếp tục phát triển, gây mưa rào, kèm theo dông, sét cho các khu vực các quận, huyện trên, sau mở rộng sau các khu vực lân cận khác. Lượng mưa phổ biến từ 5-20mm, có nơi trên 20mm. Trong cơn dông đề phòng lốc, mưa đá và gió giật mạnh khoảng cấp 5-7 (8-17 m/giây).
TP. Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ mưa có xu hướng gia tăng vào chiều tối, đêm có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông đề phòng lốc, mưa đá và gió giật mạnh.