Làng nghề gạch ngói Cừa, nòng cốt là Hợp tác xã (HTX) sản xuất - kinh doanh - dịch vụ làng nghề gạch ngói Cừa, từng là một trong những đơn vị kinh tế tập thể mạnh của tỉnh Nghệ An. Không chỉ đóng góp lớn cho ngân sách địa phương, làng nghề cũng như HTX đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Tuy nhiên, để giảm thiểu về ô nhiễm môi trường, cũng như thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về xóa bỏ các lò gạch ngói thủ công, huyện Tân Kỳ đã có chủ trương xóa bỏ hơn 200 lò gạch ngói ở làng nghề Cừa. Điều này đồng nghĩa, hàng trăm lao động mất việc làm; cùng với đó là lãng phí nguồn tài nguyên đất và cơ sở hạ tầng. Điều đáng nói là, sau khi đóng cửa các lò gạch, lãnh đạo xã Nghĩa Hoàn và huyện Tân Kỳ vẫn thờ ơ trước cuộc sống của hàng trăm người dân nơi đây.
Chị Hường, một công nhân làm thuê cho cơ sở gạch ngói của anh Hoàng Văn Bình trong làng nghề chia sẻ: “Từ ngày không đi làm nữa gia đình gặp nhiều khó khăn. Ngày trước hàng tháng có thu nhập 5 - 6 triệu đồng, nay thì ở nhà, không có thu nhập gì thêm, con học hành cũng phải vay mượn để đóng góp”.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc HTX làng nghề ngói Cừa cho biết: Để xây dựng một lò gạch phải tốn chi phí trung bình 50 triệu đồng/lò; tính ra bỏ 200 lò thì mất hàng hàng chục tỷ đồng.
“Chủ trương của Nhà nước thì chúng tôi hưởng ứng. Tuy nhiên, khi đóng cửa không cho dân sản xuất nữa thì chính quyền huyện và xã cũng phải xem xét để tạo sinh kế cho người dân”, ông Hạnh chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Hưng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoàn, cho biết: “Chính quyền xã thực hiện theo chủ trương và chỉ thị của cấp trên, việc người dân và các chủ lò gạch ngói thiệt hại chúng tôi thấu hiểu nhưng chưa biết phương án hỗ trợ thế nào cả”.
Một vấn đề cũng đáng lưu tâm là, sau khi làng nghề bị giải thể, hơn 30ha đất lâu nay được làng nghề sử dụng để sản xuất gạch ngói hiện đang bị bỏ hoang. Theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoàn, việc xử lý diện tích đất này xã đang chờ ý kiến chỉ đạo của huyện.
Đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ, chúng tôi được biết, hiện nay huyện đang kêu gọi các nhà đầu tư để đưa các dự án về để thực hiện các phần việc trên diện tích này. “Nhưng do một số nguyên nhân khách quan hiện nay chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào về để đầu tư”, ông Hoa cho biết.
Thiết nghĩ, việc xóa bỏ lò gạch thủ công là chủ trương đúng, nhưng huyện Tân Kỳ và xã Nghĩa Hoàn cũng phải có phương án để bảo đảm cuộc sống của hàng trăm lao động. Ngoài ra, trong điều kiện người dân còn thiếu đất sản xuất thì việc để hoang hóa hơn 30ha đất trong nhiều năm thực sự lãng phí tài nguyên đất đai. Đây là vấn đề cần được huyện Tân Kỳ và tỉnh Nghệ An sớm có phương án giải quyết triệt để.