Nông Cống có 29/33 xã, thị trấn có ngành nghề TTCN, trong đó có 7 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống, hằng năm giải quyết cho hơn 10 nghìn lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 2,5-4 triệu đồng/tháng. Trong đó, điển hình như làng nghề nón lá (xã Trường Giang), làng nghề chiếu cói (Ngọc Lẫm, Kén Thôn), mộc (Thăng Thọ), miến (Thăng Long), hương bài (Vạn Thắng), đan lát (Tân Thọ)...
Theo ông Lê Văn Tuyên, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Nông Cống: Tính đến ngày 31/12/2017 doanh số cho vay thông qua ủy thác các tổ chức hội, đoàn thể đạt 127.977 triệu đồng, trong đó Hội Nông dân 60.938 triệu đồng, Hội Phụ nữ 54.389 triệu đồng, Hội Cựu chiến binh 8.853 triệu đồng, Đoàn Thanh niên 3.797 triệu đồng.
Đến 31/12/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng thông qua ủy thác các hội, đoàn thể là 381.337 triệu đồng, tăng 20.357 triệu đồng so với đầu năm 2017. Hiện nay, NHCSXH đang cùng lúc triển khai nhiều chương trình vay vốn ưu đãi như cho sản xuất, vay hộ nghèo, cận nghèo, vay nước sạch và vệ sinh môi trường... góp phần vào chủ trương khôi phục, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững.
Cụ thể như Làng nghề miến gạo, xã Thăng Long hiện có 56 hộ sản xuất kinh doanh ngành nghề làm miến gạo truyền thống, thì có tới 55 hộ từng là khách hàng của NHCSXH, 23 hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, 27 hộ hiện đang vay vốn phát triển sản xuất và đầu tư dây truyền làm miến.
Hộ gia đình bà Lê Bá Phiệt là một trong những hộ điển hình vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay NHCSXH của thôn, xã. Theo bà Phiệt, nhờ vốn vay 30 triệu đồng (năm 2012), gia đình bà đã có thêm nguồn vốn đóng góp vào mua dây truyền đầu tư ngành nghề miến gạo. Từ một hộ nghèo của xã đến nay, gia đình bà Phiệt đã thoát nghèo bền vững, vươn lên trở thành hộ khá, giàu của xã, với mức thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm (đã trừ mọi chi phí).
Ông Trương Hữu Hoa, Chủ nhiệm HTX làng nghề miến gạo Thăng Long cho biết: Chủ trương của huyện luôn khuyến khích phát triển làng nghề, song trên thực tế, vốn đầu tư luôn là bài toán khó với các hộ. Để làng nghề phát triển các hộ phải có một nguồn vốn đầu tư đáng kể, như dây chuyền, máy móc, nguồn nguyên liệu. Ví dụ như theo ước tính để có thể sản xuất, kinh doanh miến gạo, mỗi hộ phải có số vốn ban đầu trên 100 triệu đồng...
“Tuy nhiên, nhờ nguồn vốn vay NHCSXH, cùng sự huy động từ nhiều nguồn vốn khác, nên tại làng nghề đã có 55 hộ dân mạnh dạn vay vốn mua sắm máy móc, dây chuyền sản xuất miến hiện đại, đem lại thu nhập cao cho người dân”, ông Hoa cho hay.
Cũng theo ông Hoa, khi làng nghề miến gạo phát triển, nhiều hộ tham gia sản xuất, kinh doanh, sức ép vấn đề môi trường đòi hỏi bức thiết phải có hướng xử lý. Cũng nhờ nguồn vốn vay giải quyết nước sạch và vệ sinh môi trường, các hộ đã đầu tư vào các quy trình xử lý nước thải, môi trường tại hộ gia đình, góp phần đảm bảo vấn đề môi trường tại làng nghề.
Có thể thấy, từ việc triển khai kịp thời các chương trình tín dụng chính sách cho vay hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế; giải quyết vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường... của NHCSXH chi nhánh huyện Nông Cống đã góp phần quan trọng giải quyết bài toán thiếu vốn cho người dân các làng nghề của địa phương.
THU THẢO