Trước đây, gia đình anh Phạm Văn Đản là một trong những hộ khó khăn của thôn Trung Sơn. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, gia đình anh Đản đã thoát nghèo trở thành hộ có thu nhập khá của xã. Đến thời điểm này, anh Đản đã có một trang trại chăn nuôi với hàng trăm đầu lợn các loại.
Anh Đản cho biết: Trong quá trình mở rộng chăn nuôi, gia đình luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất. Cán bộ khuyến nông thường xuyên tới kiểm tra tư vấn thêm về kỹ thuật chăn nuôi, chính vì vậy đàn lợn của gia đình luôn sinh trưởng và phát triển tốt. “Bây giờ bình quân mỗi năm gia đình đã có thu nhập trên 100 triệu đồng, sắp tới tôi sẽ mở rộng mô hình sản xuất, đào ao thả cá nâng cao thu nhập hơn nữa”, anh Đảm cho biết thêm.
Ông Khổng Xuân Thanh, Bí thư Chi bộ thôn Trung Sơn khẳng định: Sau khi có hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được quy hoạch và cứng hóa, thì việc tổ chức xây dựng cánh đồng lúa một giống, phát triển chăn nuôi trong thôn hiệu quả. Đến nay, thôn đã triển khai thành công mô hình 8,8ha giống lúa mới cho năng suất 57 tạ/ha/vụ, cao hơn 7 tạ so với giống cũ...
Ở xã Văn Sơn, ngoài cây lương thực, người dân còn có thế mạnh về phát triển chăn nuôi. Hiện toàn xã có khoảng trăm hộ chăn nuôi lợn, gà công nghiệp cho thu nhập khá. Trên địa bàn xã cũng đã xuất hiện nhiều các mô hình sản xuất vật liệu xây dựng, vận chuyển hàng hóa chế biến nông sản… Riêng tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp năm 2016 của xã đạt gần 6 tỷ đồng.
Hệ thống giao thông tốt tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề rừng và thu hút doanh nghiệp vào địa bàn xã. Công nghiệp trên đà phát triển kéo theo thương mại, dịch vụ cũng khởi sắc. Chỉ tính riêng lĩnh vực thương mại, dịch vụ, mỗi năm Văn Sơn thu về hơn 100 tỷ đồng.
Ông Trần Xuân Tỉnh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Văn Sơn cho biết: Đảng bộ xã đã có những định hướng đúng trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, để thực hiện được các nghị quyết của Đảng, đội ngũ đảng viên phải là người tiên phong, gương mẫu đi đầu trong các phong trào hoạt động ở địa phương để bà con noi gương làm theo.
Đến thời điểm này, toàn xã có 105 đảng viên, sinh hoạt ở 13 chi bộ, đã tập trung lãnh đạo nhân dân chung tay xây dựng NTM. Kết quả, xã đã bê tông hóa được 27,3km đường giao thôn liên thôn; kiên cố hóa 10,8km kênh mương nội đồng, xây mới 10 nhà văn hóa thôn... Tổng mức kinh phí đóng góp trên 60 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 37 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 5%...
“Bên cạnh đó, để đạt mốc thu nhập bình quân 31 triệu đồng/người/năm vào năm 2016 (tăng 7 triệu so với năm 2014) Đảng ủy, UBND xã đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đến nay đạt được hiệu quả đáng ghi nhận. Trong đó, địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực mở rộng diện tích cây trồng hàng hóa; mở rộng chuồng trại chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học vào phát triển sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển dịch vụ. Từ chủ trương đó, hiện trên địa bàn xã đã hình thành nhiều mô hình sản xuất gia trại, trang trại lợn, gà để nâng cao thu nhập”, ông Tỉnh cho biết thêm.
Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, Đảng bộ xã nhiều năm liền cũng được công nhận đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Về xã Văn Sơn hôm nay, thay vì phải đi qua con đường đầy bùn lầy, nước đọng ngày nào, là những con đường được bê-tông hóa, cột điện len lỏi từ những tuyến trục chính kéo về các thôn. Những định hướng đúng trong phát triển kinh tế-xã hội của cấp ủy, chính quyền xã, cùng nguồn hỗ trợ của Nhà nước và sự chung sức của cộng đồng dân cư, đã giúp đời sống 600 hộ dân xã Văn Sơn ấm no, hạnh phúc...
TRỌNG BẢO