Đây là những câu hỏi được đặt ra hàng chục năm nay, không hề mới nhưng chẳng bao giờ cũ. Bởi hiện vẫn chưa có đáp án nào cho những câu hỏi này. Và một điều hiển nhiên là, trong điều kiện thông tin thông suốt như hiện nay, chẳng ai dại mà tùy tiện “đẻ” ra những loại phí vô lý.
Vậy mà vẫn có kẻ “dại”.
Đó là cái “BOT làng” ở thôn Nội, xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội). Năm 1998, dân thôn Nội gom góp tiền để xây cái cầu bắc qua sông Nhuệ. Tiền của dân, của xã mình nên người thôn Nội lập nên cái “BOT làng” suốt từ năm 1998 đến nay.
Bất kể ai nếu không phải là dân xã Văn Hoàng khi đi qua cầu đều phải trả 4.000 đồng/phương tiện.
Hay là chuyện tưởng như “không tưởng” ở xã Thiệu Dương (TP. Thanh Hóa). Từ nhiều năm nay ở xã này quy định: nhà nào có trâu, bò muốn được thả ra đồng thì phải đóng 100.000 đồng phí đồng cỏ/con/năm, 300.000 đồng tiền thế chấp chăn thả gia súc, gia cầm (!?).
Thực tế, chuyện lạm thu, tận thu phí và lệ phí hay đóng góp “tự nguyện” nhưng rất tùy tiện đã được bàn thảo rất nhiều, trên các diễn đàn cũng như trong nghị trường. Nhưng đâu rồi lại vào đấy. Lâu lâu dư luận lại được một phen “mắt tròn mắt dẹt” vì những khoản phí rất trời ơi đất hỡi ở một số địa phương; dù mang danh “tự nguyện” nhưng nông dân không đóng… không xong (!).
Người nông dân một nắng hai sương mới làm ra được đồng tiền. Năm nào được mùa thì mới có chút ấm no, mất mùa là đói kém, đôi khi được mùa mà rớt giá thì vẫn đói kém.
Bởi vậy, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế, phí hỗ trợ nông nghiệp, nông dân. Chủ trương là vậy nhưng xuống đến địa phương thì vấp phải không ít “giấy phép con”, kiểu thu phí cỏ cho bò ăn như ở Thanh Hóa.
Ngặt nỗi, sau mỗi vụ việc được phanh phui, cái câu mà người dân hay được nghe nhất là “sẽ xem xét và rút kinh nghiệm”. Tự ý đặt ra các loại phí đến khi bị phát hiện thì chỉ cần xin lỗi trả lại tiền là xong.
Cứ… huề cả làng như vậy thì sự tùy tiện đến bao giờ được dẹp?
SỸ HÀO